Các cuộc trao đổi thông tin, giao dịch, giới thiệu hàng hóa trực tiếp đã diễn ra ngay tại Hội thảo “Cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và dịch vụ Việt Nam - Mexico”, do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 13/9.
Hội thảo “Cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và dịch vụ Việt Nam-Mexico” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 13/9. (Ảnh: Thành Châu) |
TPP sẽ là bệ phóng
Từ đầu năm 2016, Việt Nam và Mexico đã cùng các nước khác tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục tiêu thiết lập khu vực thương mại tự do Thái Bình Dương.
Theo nội dung của Hiệp định, Việt Nam cam kết sẽ bỏ hơn 65% số dòng thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, và sẽ xóa bỏ 98% số dòng thuế nhập khẩu sau 10 năm với hàng hóa Mexico.
Ngược lại, Mexico cam kết sẽ bỏ ngay 72,2% số dòng thuế chiếm 36,5% thu nhập xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico. Những dự án thỏa thuận với những bước tiến rất mạnh như vậy thể hiện sự tự do hóa thương mại, xóa bỏ các dòng thuế nhập khẩu. Đây là động lực thúc đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu của 2 nước sau năm 2018.
Tại Hội thảo, bà Sara Valdés Bolãno, Đại sứ Mexico tại Việt Nam đánh giá, hội thảo là cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước, tìm hiểu lẫn nhau để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư.
Việc tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định TPP và cùng tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác của khu vực, sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp hai nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hai nước cũng có thể thông qua tăng cường hợp tác kinh doanh và đầu tư, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước nói riêng và thế giới nói chung các sản phẩm cạnh tranh.
Cần sự chủ động nỗ lực từ các bên
Cũng tại đây, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh, Mexico là một trong những đối tác thương mại lớn hàng đầu tại khu vực châu Mỹ và đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này.
Ông Đỗ Kim Lang (giữa) trao đổi với doanh nghiệp bên lề Hội thảo. (Ảnh: Thành Châu) |
Theo ông, để kết nối tốt hơn nữa với các thị trường mục tiêu xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp cận cơ hội thị trường các nước, trong đó có Mexico.
Có thể thấy, cách đây 10 năm, kim ngạch thương mại song phương còn rất khiêm tốn, thậm chí không đáng kể, nhưng đến năm 2015 thì con số đã tiến lên một bước mới, ở tầm rất cao và trong tương lai sẽ còn cao hơn nữa khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Trong tương lai, doanh nghiệp hai bên có rất nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, dịch vụ... Hợp tác về logistics giúp dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển của Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu tốt hơn. Đây sẽ là nền tảng để Việt Nam, thông qua Mexico, phát triển mạnh thị trường khu vực Nam Mỹ.
Ông Lang cho biết, những năm vừa qua, nhờ nỗ lực thúc đẩy của các cơ quan xúc tiến thương mại, Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, sự quan tâm của các doanh nghiệp Mexico đã tăng lên và hiện thực hóa cơ hội hợp tác của doanh nghiệp hai bên.
Với những điều kiện thuận lợi về thuế quan sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các tổ chức xúc tiến thương mại là những đơn vị kế tiếp có vai trò thúc đẩy doanh nghiệp tận dụng những ưu thế, thuận lợi đó để tính toán, cân nhắc các cơ hội thị trường, đi vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại đầu tư có lợi ích nhất.
Ông Lang khẳng định, với vai trò là cơ quan chuyên trách về xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công thương, "chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến giao thương như thế này, không chỉ đón các đoàn doanh nghiệp Mexico đến Việt Nam mà còn tổ chức nhiều hơn các hoạt động xúc tiến ra bên ngoài, giúp doanh nghiệp tham gia nhiều Hội chợ thương mại, giao dịch đầu tư với thị trường Mexico".
Vươn tới toàn khu vực
"Ngoài mục tiêu thị trường Nam Mỹ, Mexico là một trong 12 thị trường thành viên của TPP đồng thời cũng là thành viên trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ. Nếu tận dụng được thị trường Mexico thì sẽ mở cửa được không chỉ thị trường Bắc Mỹ nói riêng và cả khu vực châu Mỹ được tốt hơn" - ông Lang cho biết.
Doanh nghiệp hai bên trực tiếp gặp gỡ tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Châu) |
Giải thích thêm cho quan điểm trên, ông cho biết, Mexico là cửa ngõ, gắn bó chặt chẽ với thị trường Mỹ, cho nên ngoài việc trực tiếp mở rộng thị trường Mexico, các cơ quan xúc tiến thương mại, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng qua kênh này giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận gần hơn với thị trường Mỹ. Hơn nữa, Mexico sử dụng tiếng Tây Ban Nha nên cũng có quan hệ chặt chẽ với thị trường khu vực Nam Mỹ. Do vậy, nói tới việc phát triển thị trường Mexico cũng có nghĩa là phát triển thị trường cả khu vực châu Mỹ.
Vai trò cơ quan đại diện Việt Nam tại Mexico
Để hỗ trợ cho các đoàn doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến thương mại, ông Lang cho rằng, hệ thống Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đều là những cơ quan hoạt động rất chuyên nghiệp, có mối hiểu biết rất sâu sắc với thị trường sở tại và quan hệ tốt với Cộng đồng, Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà xuất nhập khẩu địa phương cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại của nước sở tại.
Riêng ở thị trường Mexico, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại đã tăng lên đáng kể một phần nhờ vào sự tích cực của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico. Dù xa xôi về địa lý nhưng cơ quan này đã rất tích cực trong việc khai thác các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 6, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Mexico Lê Linh Lan, trong lễ khai trương trụ sở mới Văn phòng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Văn phòng Thương mại đối với mục tiêu phát triển của Việt Nam. Đó là chủ trương tăng cường kim ngạch ngoại thương, đầu tư và hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Mexico trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Việt Nam và Mexico cùng trao đổi thông tin. (Ảnh: Thành Châu) |
Theo Đại sứ, 2016 sẽ là điểm nhấn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 và cũng là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ của Cộng đồng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do đó, trụ sở mới Văn phòng Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico sẽ phải là điểm kết nối quan trọng giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Mexico.
Đại sứ hy vọng thông qua các hoạt động hiệu quả của Văn phòng Thương vụ, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều sẽ sớm vượt ngưỡng 2,2 tỷ USD đạt được trong năm ngoái, vì hai nền kinh tế có nhiều tiềm năng và cơ hội do Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được thành lập trong năm 2015, mang lại.