Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đối thoại cùng các chuyên gia tại Diễn đàn năm 2018. |
Tiếp nối thành công của Diễn đàn lần thứ nhất 2018, dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HUBA) phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công ty Đầu tư Tài Chính nhà nước Thành phố và Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - HEF 2019 với chủ đề: “Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.
Trước thềm sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức cho biết, HEF 2019 nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói chung, các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của thành phố nói riêng. Đồng thời, lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm để cùng thảo luận, đánh giá về thực trạng phát triển, cơ hội cũng như thách thức đối với Thành phố. Từ đó, lãnh đạo Thành phố có những định hướng xây dựng/phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Trong thời đại toàn cầu hóa thương mại, đầu tư, tài chính, công nghệ ngày càng diễn ra nhanh chóng, tầm nhìn chiến lược phát triển của lãnh đạo Thành phố về việc đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh Thành phố đang bị chững lại so với các đô thị khác trong nước và tụt hậu so với các đô thị thành công trong khu vực.
Thế nhưng giữa bối cảnh và điều kiện hiện tại của TP. Hồ Chí Minh và tầm nhìn chiến lược này còn rất nhiều khoảng cách. Nhìn ra bên ngoài, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tụt hậu tương đối xa so với các đô thị trong khu vực như Seoul, Thượng Hải, Kuala Lumpur, Bangkok... Nhìn vào bên trong, khoảng cách về quy mô kinh tế giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày càng thu hẹp. Nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh đang vươn lên mạnh mẽ, thậm chí đóng vai trò tạo cảm hứng cho các địa phương khác và dần trở thành các đô thị động lực của đất nước.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng năng suất, tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải, ách tắc và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh như một nơi đáng sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư, do vậy, tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Bước sang kỷ nguyên số, sự dịch chuyển của dòng vốn, các sản phẩm, dịch vụ tài chính sẽ ngày càng vượt ra ngoài những biên giới truyền thống. Khi ấy, năng lực và lợi thế cạnh tranh của các thành phố đến từ năng lực đổi mới, sáng tạo, thiết kế, dung nạp các sản phẩm, dịch vụ, công vụ, cấu trúc, dàn xếp tài chính, quản lý rủi ro mới có thể đáp ứng các nhu cầu mới, đa dạng và phức tạp.
Bối cảnh này đặt ra yêu cầu đối với TP. Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tạo sự đột phá nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống và chất lượng sống của người dân, củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng vị thế và tầm quan trọng của Thành phố ở Việt Nam và trong khu vực. Sự phát triển mạnh mẽ của TP. Hồ Chí Minh sẽ củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.
Với lợi thế vốn có của một trung tâm kinh tế, tài chính quốc gia năng động, lựa chọn giàu tiềm năng là đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á.
Nhìn ra toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế đang trải qua thời kỳ chuyển biến cạnh tranh mạnh mẽ để củng cố và/hoặc bứt phá vị thế của mình. Nhìn vào khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế đang phục hồi, đồng thời sự hợp tác phát triển chặt chẽ hơn của cộng đồng chung ASEAN. Bên cạnh đó, sự hợp tác giao thương rộng mở của khu vực, sự chủ động hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu… là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của TP. Hồ Chí minh như một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
HEF 2019 sẽ xoay quanh bốn chủ đề chính gồm: (1) TP. Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện; (2) Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số trung tâm tài chính quốc tế; (3) Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế; (4) Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền thành phố để xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. |