Theo đó, ít nhất một - có thể là hai ICBM Hwasong-15/KN22 đang được sản xuất tại địa điểm có tên là Trung tâm nghiên cứu Sanum-dong, bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Động thái này sẽ khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trở nên khó khăn hơn.
Hwasong-15 là ICBM tiên tiến nhất của Triều Tiên, có khả năng mang đầu đạn đến hầu hết các nước tiếp giáp Mỹ.
Một nguồn tin tiết lộ với The Diplomat rằng: “Việc sản xuất tên lửa mới có thể sẽ bắt đầu sau hội nghị thượng đỉnh”, ám chỉ đến đến thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức thị sát một bệ phóng tên lửa. (Nguồn: ViceNews) |
Phát hiện này đã cho thấy sự tương phản rõ nét với tuyên bố của ông Trump sau cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim ở Singapore rằng Triều Tiên “không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa”. Tại Singapore, ông Kim Jong-un từng cam kết sẽ “hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” trong Tuyên bố chung, nhưng hiện có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã không đưa giải thích cụ thể cho cụm từ này, nhằm trì hoãn quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương. Rõ ràng, những động thái trước đó của Triều Tiên như đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và gần đây nhất là tháo dỡ dàn phóng tên lửa tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Sohae có thể được coi là “ngụy trang” của Bình Nhưỡng cho bước đi đầy toan tính này.
Washington dường như cũng nhận thức rõ điều này, song chưa có phản ứng cụ thể, ngoài việc tiếp tục duy trì cấm vận đối với Triều Tiên. Ngày 25/7, điều trần tại Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo từng thừa nhận Triều Tiên vẫn “sản xuất đồng vị phân hạch”. Cụm từ này được dùng để chỉ uranium hàm lượng cao trong đồng vị urani-235 hoặc plutonium-239, nguyên liệu sử dụng trong chế tạo vũ khí hạt nhân. Hồi đầu tháng Bảy, The Diplomat từng tiết lộ địa điểm làm giàu uranium bí mật của Triều Tiên nằm ở Kangson, cũng ở ngoại ô của thủ đô Bình Nhưỡng.
Những dữ liệu này cho thấy Triều Tiên không những tiếp tục sản xuất tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa Mỹ, mà còn sản xuất vật liệu phân hạch để tạo ra đầu đạn mới. Cả hai đều phù hợp với chỉ thị của ông Kim tới các kỹ sư tên lửa và các nhà khoa học hạt nhân của nước này nhân ngày đầu năm mới 2018 vừa qua. Ông Kim tuyên bố: “Ngành nghiên cứu vũ khí hạt nhân và công nghiệp tên lửa nên sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và ICBM, với sức mạnh và độ tin cậy đã được kiểm chứng, để tiếp tục đưa vào triển khai”.
Giới quan sát cho rằng, một mặt, Triều Tiên đang cố gắng thể hiện sẽ hạn chế các chương trình thử nghiệm - cả vũ khí hạt nhân và động cơ ICBM nhiên liệu lỏng. Song mặt khác, Bình Nhưỡng vẫn không ngừng sản xuất ICBM và đầu đạn hạt nhân, lấy đây làm con bài đảm bảo an ninh trước sức ép từ cộng đồng quốc tế và duy trì vị thế trong những cuộc đàm phán sắp tới với Washington. Tuy nhiên, tính toán của chính quyền ông Kim Jong-un có thể khiến quan hệ Mỹ - Triều căng thẳng trở lại, thành quả đạt được tại thượng đỉnh Singapore trở nên vô nghĩa. Lòng tin mong manh vừa mới gây đựng được hồi tháng 6 vừa qua có nguy cơ tan thành mây khói.