Phía sau lệnh trừng phạt năng lượng Nga là… ‘cuộc chiến ngầm’ giữa anh em một nhà châu Âu. Trong ảnh: Quá trình bảo dưỡng, thay nhiên liệu của lò phản ứng Olkiluoto 1. (Nguồn: Promaintlehti) |
Bất đồng lớn trong quan hệ giữa “hai anh cả” Pháp-Đức thể hiện ở chính sách năng lượng hạt nhân, khi họ buộc phải đặt lên “bàn cân” - vừa chống biến đổi khí hậu, lại vừa phải tiếp cận các nguồn năng lượng mới.
Đức kết thúc “cuộc phiêu lưu” hạt nhân
Ngày 15/4 vừa qua, Đức đã chính thức ngắt kết nối 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn tồn tại đến nay, dù chậm 3 tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu. Hàng trăm người đã tổ chức ăn mừng sự kiện tại Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin. “Cuộc phiêu lưu” hạt nhân của nền kinh tế số 1 châu Âu được bắt đầu vào năm 1955 dưới thời Thủ tướng Konrad Adenauer đã chính thức kết thúc.
Ngược lại với “người anh em” bên kia bờ sông Rhine, Pháp vừa tái khởi động chương trình phát triển 6 lò phản ứng nước áp lực châu Âu (EPR) thế hệ mới, đánh dấu sự tiếp tục của chính sách do Tướng De Gaulle khởi xướng vào cuối Thế chiến thứ hai.
Những lựa chọn đối lập này cho thấy rõ rằng, chính sách năng lượng - đặc biệt là năng lượng hạt nhân - vẫn là một trong những điểm bất đồng lớn nhất giữa hai quốc gia dẫn đầu châu Âu.
Trong 20 năm qua, hai đối tác này thực ra đã có một “sự nghiệp chung”. Thậm chí có những người còn mơ đến một nhãn hiệu “Airbus về năng lượng”, đưa Pháp xích lại gần hơn nữa với nước Đức thống nhất. Nhưng như một lẽ tự nhiên, liên minh không thể tồn tại với một nước Đức quyết tâm chấm dứt năng lượng hạt nhân.
Những năm 1990, tập đoàn Framatome của Pháp và đối tác Siemens của Đức đã bắt tay phối hợp phát triển công nghệ EPR. Hai đối tác đã chia tay vào năm 2009 trước khi Siemens bắt tay với tập đoàn Rosatom của Nga và rồi chấm dứt hoạt động này 2 năm sau khi Berlin tuyên bố từ bỏ năng lượng hạt nhân.
Tại Đức, nơi điện hạt nhân chưa bao giờ vượt quá 1/3 tổng sản lượng điện, phần lớn người dân có thái độ "không hào hứng" với loại năng lượng này. Đảng Xanh đã tự cấu trúc mình thành một nhân tố không thể đảo ngược trong nỗ lực chống hạt nhân và theo chủ nghĩa hòa bình. Tham gia chính quyền trong liên minh “đỏ-xanh” năm 1998, đảng này đã gây ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách năng lượng của Đức trong suốt 25 năm qua.
ADN chính trị của Pháp
Ngược lại, năng lượng hạt nhân đã trở thành một yếu tố được xem như “ADN chính trị” của nước Pháp. Trở lại với năm 1945, nước Pháp đã có sắc lệnh thành lập Ủy ban Năng lượng nguyên tử (CEA) phục vụ công cuộc phát triển khoa học, công nghiệp và quốc phòng.
Ngay từ đầu, tất cả các ứng dụng của phản ứng phân hạch nguyên tử đã được xem xét, từ năng lượng đến bom, đến mức khó có thể tách rời năng lượng hạt nhân dân sự và quân sự.
Tại Pháp, sự hội tụ quan điểm giữa những người theo chủ nghĩa De Gaulle và chủ nghĩa cộng sản, sự tập trung hóa về chính trị, sự phát triển của khoa học công nghệ do nhà nước điều hành và sự độc quyền của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF)…, tất cả đều là những ngoại lệ chưa được biết đến ở Đức.
Từ cuối những năm 1960, mọi yếu tố đều đã sẵn sàng cho việc đẩy nhanh quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sau cú sốc dầu mỏ đầu tiên năm 1973, để đạt được 75% điện năng từ nguồn hạt nhân. Mặc dù không trở lại với một chương trình đầy tham vọng như kế hoạch Messmer năm 1974, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã chọn hướng hồi sinh năng lượng hạt nhân tại nước này.
Hai xu hướng trái ngược giữa Đức và Pháp hiển nhiên đang gây ra vấn đề, ở một châu Âu đang buộc phải thực hiện “mệnh lệnh kép”, vừa nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu, vừa phải tìm kiếm các nguồn năng lượng mới kể từ khi bùng nổ xung đột ở Ukraine. Bởi vậy, căng thẳng giữa hai “đàn anh” Pháp và Đức chưa bao giờ gay gắt đến thế.
Tuy nhiên, Pháp không đơn độc trong “cuộc chiến” này. Chỉ vài giờ sau khi các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức ngừng hoạt động, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu tiến vào giai đoạn sản xuất thường xuyên ở Phần Lan.
Theo thông báo (ngày 16/4) của nhà vận hành TVO, lò phản ứng Olkiluoto 3 sản xuất khoảng 14% lượng điện ở Phần Lan và sẽ tăng lên 30%, dự kiến hoạt động trong ít nhất 60 năm tới. Phần Lan hy vọng có thể dựa vào lò phản ứng mới để đáp ứng nhu cầu điện đầu mùa Đông tới, do lo ngại về thiếu hụt năng lượng sau xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại năng lượng Nga.
Sự kiện Anh rời EU (Brexit) đã tước mất của Helsinki sự hỗ trợ then chốt của đối tác Anh, hơn nữa các dự án tiềm năng tại hàng chục quốc gia EU không thể làm lu mờ một thực tế rằng, môi trường chính trị ở liên minh này hiện không thuận lợi cho năng lượng hạt nhân.
Nhìn từ Paris, Berlin không ngừng gây áp lực nhằm giảm bớt tham vọng của Pháp và áp đặt mô hình chuyển đổi năng lượng của Đức lên Brussels.
Trong khi Pháp cũng cho rằng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen - một người Đức, lẽ ra nên bảo vệ “tính trung lập về công nghệ” của các nguồn năng lượng carbon thấp, đang có xu hướng thiên về lợi ích của nước mình.
Bà Ursula von der Leyen hiện cho rằng, năng lượng hạt nhân không phải là “chiến lược cho tương lai”, không giống như năng lượng Mặt Trời, gió, hydro và pin điện.
Pháp sẽ phải mất một thời gian dài để thuyết phục rằng, năng lượng hạt nhân chính là một “vũ khí” trong cuộc chiến khí hậu và có vai trò trong việc nâng cao chủ quyền công nghiệp của châu Âu - một trong những trọng tâm chính của EC từ năm 2019.
Liệu “lục địa già” có muốn phụ thuộc vào các tấm pin Mặt Trời, pin điện, nguyên liệu thô và kim loại tinh chế được nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc, trong khi thị trường toàn cầu cho công nghệ carbon thấp sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030?
Ngày 30/3 tại Brussels, bà Ursula von der Leyen đã có một bài phát biểu quan trọng – nhấn mạnh quan điểm không nhượng bộ Bắc Kinh và không liên kết với Washington – về chủ đề bảo vệ “chiến lược giảm thiểu các nguy cơ thông qua nền kinh tế”.
Nhưng Paris đã nhanh chóng chỉ ra “mâu thuẫn” giữa tham vọng công nghiệp xanh và việc từ chối năng lượng hạt nhân trong phát biểu của bà… Đến đây, chưa có một cách giải nào được hé mở cho bài toán nhiều đáp số và "cuộc chiến" hạt nhân giữa Paris và Brussels vẫn để lại đó.