TIN LIÊN QUAN | |
Phía sau tục kết hôn đồng giới nữ tại Tanzania (Kỳ I) |
Trước tình huống trên, quan tòa địa phương thường khá bối rối vì cuộc hôn nhân của cặp đôi đồng tính nữ là không chính thức. “Một đằng giới cầm quyền ủng hộ những người phụ nữ, nhưng mặt khác, người đàn ông lại thắng kiện”, phóng viên Dinna Maningo nói.
Những câu chuyện ở bộ tộc Kurya
Vị tộc trưởng của bộ lạc có tên là Elias Maganya, 65 tuổi, sinh sống trong một ngôi làng bên ngoài huyện Tarime. Maganya là người đứng đầu Hội đồng Bộ lạc Kurya – cơ quan điều hành của bộ lạc tại huyện Tarime. Ông cho biết: “Những lãnh đạo của bộ lạc chấp nhận hôn nhân giữa những người phụ nữ bởi vì những cuộc hôn nhân này mang lại một số lợi ích cho bộ lạc”. Đây là một cách thức giúp chúng tôi giải quyết vấn đề về các góa phụ có tài sản, bởi họ sẽ không trở thành gánh nặng cho người khác khi về già.
Munge Gati (62 tuổi) và Masero Gati (20 tuổi), cùng những đứa con của họ. (Nguồn: AFP) |
Đó còn là vấn đề chính trị trong nội bộ bộ lạc. Bộ lạc Kurya bao gồm 12 thị tộc chính, và mỗi thị tộc lại được chia thành những tiểu thị tộc. “Nếu một người phụ nữ trở thành góa phụ, những thành viên trong thị tộc của người chồng sẽ mong muốn tài sản của anh ta ở lại thị tộc của họ. Họ hy vọng người góa phụ sẽ cưới một người phụ nữ khác hơn là tái hôn với một người đàn ông lạ mặt”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bộ tộc này lại không thay đổi luật lệ và cho phép những người phụ nữ Kurya được thừa kế tài sản một cách trực tiếp? “Không. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Trong truyền thống của chúng tôi, chỉ có người đàn ông mới có thể thừa kế đất đai và tài sản của người đã mất” – tộc trưởng Elias Maganya.
Khẳng định của tộc trưởng Maganya không phải là không có lý khi tất cả 200 thành viên của Hội đồng Bộ lạc Kurya đều là nam giới. Sự phân biệt như vậy còn được tăng cường bởi sự bất bình đẳng giới tính trên khắp đất nước khi chưa đến 20% phụ nữ Tanzania được đứng tên sở hữu đất đai.
Bộ lạc Kurya dường như là bộ lạc duy nhất cho phép góa phụ kết hôn với nữ giới để giải quyết vấn đề trên. Cách đây 30 năm, khi góa phụ Veronica Nyagochera được 51 tuổi, bà ấy kết hôn với Mugosi Isombe khi cô mới 20 tuổi. Nyagochera có đến 5 người con gái nhưng không có người con trai nào. Vì thế, bà hy vọng Isombe sẽ sinh được con trai để thừa kế tài sản. Tuy nhiên, Isome vẫn chỉ sinh được con gái.
“Chúng tôi có 4 đứa con gái. Chúng khiến chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng vẫn còn một vấn đề là nếu Nyagochera qua đời, chúng tôi sẽ mất tất cả – nhà cửa, đất đai, vật nuôi sẽ thuộc về một người họ hàng nam giới nào đó” - Isombe nói.
Isombe quyết định tự mình tìm kiếm một người vợ. Cách đây 3 năm, Isombe gặp gỡ Paulina Mukosa, một cô gái chỉ mới bước qua tuổi 18. Cha của Mukosa đã cố gắng gả cô ấy cho nhiều người đàn ông khác nhau, nhưng cô ấy luôn phản đối. Cha của Mukosa đánh đập cô vì điều đó nhưng chỉ khiến cô gái thêm quyết tâm. “Từ khi sinh ra, tôi đã nhiều lần thấy cha mẹ tôi cãi vã và mẹ tôi luôn là người bị đánh đập. Tôi thường thấy những người phụ nữ bị chính chồng, cha và thậm chí anh em trai của họ đánh đập. Tôi không muốn cuộc đời mình cũng như vậy” - Mukosa nói.
Sau khi gặp Isombe, Mukosa (lúc này đã 21 tuổi), sẵn lòng chấp nhận cuộc hôn nhân. “Tôi nghĩ rằng khi cưới một người phụ nữ, tôi sẽ có thể có nhiều quyền tự chủ hơn”, cô nói. Ngay trước khi Mukosa kết hôn, cha của cô quá háo hức đến nỗi ông “chỉ đòi 7 con bò” từ Isombe.
Năm 2013, Mukosa chuyển tới sống cùng Isombe và Nyagochera (bấy giờ đã được 81 tuổi). Nyagochera và Isombe cho Mukosa một túp lều riêng biệt trong số 8 túp lều của họ. Cô nhanh chóng có bạn trai, một người đàn ông địa phương và họ có một bé trai một năm sau đó. Hiện tại, Mukosa đang mang bầu 8 tháng đứa con thứ 2 với bạn trai của mình.
Lối thoát cho bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hình thức bạo lực phổ biến nhất tại Tanzania. Vào năm 2013, một cuộc khảo sát do Bộ Y tế và Bộ Công ích Xã hội tiến hành cho thấy, 45% số phụ nữ từ 15 - 49 tuổi đang phải hứng chịu bạo lực tình dục hoặc những hình thức bạo lực thể chất khác trong gia đình. Tại vùng Mara, nơi Mukosa và hai người vợ của cô sinh sống, tỉ lệ bạo hành gia đình lên đến 72% – tỉ lệ cao nhất nước.
Mugosi Isombe và Paulina Mukosa ăn trưa cùng những người hàng xóm của mình. (Nguồn: Marie Claire) |
Những nguyên nhân của tình trạng này chính là nghèo đói, thiếu nền tảng giáo dục, nghiện rượu và sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Chính phủ Tanzania đã tổ chức nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích phụ nữ tố cáo về bạo hành gia đình. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.
Isombe nói rằng, những hộ gia đình nữ giới là cách tốt nhất để phụ nữ ở đây tránh khỏi bạo lực từ nam giới. “Không ai có thể chạm vào chúng tôi”, cô nói. “Nếu có bất cứ người đàn ông nào định chiếm tài sản hoặc làm bị thương chúng tôi, những người đứng đầu bộ lạc sẽ trừng phạt họ”.
Theo tộc trưởng Maganya, đàn ông trong bộ tộc bị cấm động đến những người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân nữ giới bởi vì những người phụ nữ này “không phải vợ của họ”. Những kẻ phạm tội sẽ phải đền gia súc và sửa chữa thiệt hại cho tài sản cho nạn nhân. Ít nhất là đối với Isombe, tục lệ này thực sự hiệu quả bởi cô gặp rất ít phiền toái với đàn ông trong thời gian 30 năm làm vợ Nyagochera.
Sự tự chủ đã giúp Isombe nuôi dạy 4 cô con gái của mình và chúng không phải kết hôn quá sớm. Hai đứa lớn chỉ kết hôn sau khi đủ 18 tuổi. Hai đứa nhỏ hơn vẫn ở nhà với gia đình. “Chúng đang học tập rất chăm chỉ. Một đứa muốn trở thành giáo viên, còn đứa kia muốn làm y tá. Chúng tôi luôn ưu tiên cho việc học của bọn trẻ” - Isombe nói.
Dù sống trong một hoàn cảnh bất thường, cả 3 người phụ nữ ấy vẫn cố gắng lo lắng cho những đứa con của họ. “Chúng tôi là những người bạn tốt của nhau. Chúng tôi luôn chia ngọt sẻ bùi, và chúng tôi không cảm thấy cô đơn vì luôn có nhau” - Isombe chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải cuộc hôn nhân Nyumba Ntobhu nào cũng có hậu. Phóng viên Dinna vẫn nhớ một số trường hợp, trong đó người vợ trẻ hơn yêu một người đàn ông và chạy trốn với anh ta, hay một trường hợp cách đây 2 năm khi người vợ trẻ hơn lấy cắp hết tài sản của người vợ lớn và mang con đi, khiến người vợ lớn trắng tay.
May mắn là mọi chuyện vẫn ổn tại gia đình của Juma và Mugosi. Hai người này sẽ sớm kỉ niệm một năm ngày cưới. Họ không chắc là sẽ làm gì để kỉ niệm dịp vui này bởi vì cuộc sống của họ luôn bận rộn với đất đai, gia súc và những đứa con trai hiếu động. Tuy nhiên, Juma cảm thấy rất phấn khích khi nghĩ đến tương lai của hai người. “Cuộc hôn nhân đang diễn ra tốt đẹp hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Lúc đầu, tôi cũng hơi bất an bởi đó là một trải nghiệm mới. Nhưng bây giờ, tôi biết đây là một quyết định rất đúng đắn của mình" - Juma bộc bạch.
Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về hôn nhân đồng giới Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 26/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa ... |
Sydney chính thức ủng hộ hôn nhân đồng tính Hội đồng thành phố Sydney, Australia vừa chính thức tuyên bố ủng hộ hôn nhân đồng giới và kêu gọi Quốc hội liên bang sửa ... |