Đằng sau việc Israel và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ là những toan tính lợi ích của hai bên. (Ảnh: Press TV) |
Thỏa thuận được nhiều người mong đợi nói trên, đạt được 6 năm sau vụ Israel thảm sát 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ khi họ đang chở hàng viện trợ bằng tàu tới khu vực Dải Gaza bị Israel phong tỏa.
Theo giới phân tích, hai bên đã thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận này trong các tháng gần đây, trong bối cảnh Israel tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho ngành xuất khẩu khí đốt ngoài khơi còn Thổ Nhĩ Kỳ đang mong muốn khôi phục ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Về phần mình, Mỹ cũng thúc giục hai nước giải quyết bất đồng trong lúc Washington đang tìm kiếm hợp tác trong cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Phát biểu với hãng tin AFP, một quan chức Israel giấu tên cho biết thỏa thuận này đã được hoàn tất song nội dung chi tiết chỉ được công khai chính thức sau ngày 27/6. Các cuộc đàm phán được cho là đã được tổ chức tại Rome (Italy), nơi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dừng chân hôm 26/6 để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Hai trong số các điều kiện then chốt cho việc bình thường hóa mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra - gồm lời xin lỗi và bồi thường- đã được đáp ứng trước đó. Chỉ còn lại yêu cầu thứ ba - Israel phải dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza, vẫn là cản trở chính còn tồn đọng.
Thông tin những ngày gần đây cho thấy đã có sự thỏa hiệp về vấn đề này. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Israel sẽ cho phép hoàn tất xây dựng một bệnh viện vốn đang rất cần thiết ở Gaza, cũng như xây dựng một nhà máy điện mới và một nhà máy lọc nước. Theo các nguồn tin này, viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tới Dải Gaza sẽ được chuyển qua cảng Ashdod của Israel thay vì chuyển trực tiếp đến vùng lãnh thổ Palestine.
Ngày 26/6, tờ Haaretz (Israel) đưa tin Ankara cam kết ngăn chặn phong trào Hồi giáo Hamas thực hiện các hành động chống lại Israel từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, theo tờ báo này, Hamas có thể tiếp tục được triển khai hoạt động từ Thổ Nhĩ Kỳ vì các mục đích ngoại giao.
Israel đã cam kết huy động khoảng 20 triệu USD cho quỹ bồi thường các gia đình nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Israel giết hại, nhằm chấm dứt tất cả các tranh cãi chống lại các binh sĩ Israel. Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng đang đứng trước sức ép trong nước, yêu cầu ông không được nhất trí thỏa thuận này nếu nó không bao gồm các điều khoản quy định việc Hamas phải giao nộp 4 người Israel mất tích, bao gồm thi thể hai binh sĩ được cho là đã chết và hai công dân được cho là đang bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza.
Giới chức Israel cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý chỉ đạo “tất cả các cơ quan Thổ Nhĩ Kỳ liên quan để giải quyết vấn đề công dân Israel mất tích”. Thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc khôi phục hoạt động của các đại sứ quán ở hai nước.