Tàu tuần duyên Philippines và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. (Nguồn: AFP) |
Ngày 3/5, Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter rằng, Trung Quốc phải “cuốn gói” khỏi khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, ông Locsin cũng lên án Trung Quốc đã phá hoại tình bạn 2 nước. Đến tối ngày 3/5, cơ quan ngoại giao của Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng về tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines.
Manila không thể chịu đựng thêm?
Trong thông cáo mới nhất, Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc “theo sát, ngăn chặn, có hành động nguy hiểm và phát thông điệp thách thức đối với các tàu tuần duyên của Philippines”.
Ngày 2/5, Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục tập trận hàng hải ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dựa trên tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 28/4 nêu rõ, Trung Quốc “không có quyền hay cơ sở pháp lý để ngăn cản Manila tiến hành cuộc diễn tập” ở Biển Đông.
Các động thái này nhằm phản ứng lại việc Bắc Kinh yêu cầu Manila dừng các cuộc tập trận mà các lực lượng tuần duyên và quản lý ngư nghiệp Philippines tiến hành trên Biển Đông từ ngày 24/4.
| Foreign Policy cung cấp hành tung của tàu cá Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, chỉ ra chiến thuật 'cải bắp' trên Biển Đông |
Việc tập trận của Philippines được xem là cách đáp trả sự hiện diện đông đảo của tàu dân binh, tàu hải cảnh và thậm chí là tàu quân sự Trung Quốc trong khu vực từ hồi tháng 3 vừa qua.
TS. Koh Swee Lean Collin, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore cho rằng, có 2 lý do giải thích cho việc Manila tuyên bố duy trì các cuộc tập trận hàng hải như trên.
Thứ nhất, Manila không thể chịu đựng thêm việc Bắc Kinh lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để tiến hành hàng loạt động thái đe dọa, cưỡng ép ở Biển Đông trong hơn 1 năm qua. Các hành vi này của Bắc Kinh khiến Manila lo lắng và cảnh giác.
Thứ hai, việc duy trì tập trận như trên là giải pháp tốt nhất cho Manila hiện nay khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã chỉ thị cho quân đội và lực lượng tuần duyên kiềm chế, không kích động xung đột với Trung Quốc.
Đến lúc thay đổi chính sách
PGS. TS. Richard Heydarian, chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines khẳng định, Manila đang cố gắng đẩy lùi những hành động ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Heydarian nhận xét: “Một điều cũng trở nên khá rõ ràng là chính sách Tổng thống Duterte theo đuổi trong quan hệ với Trung Quốc theo cách rất 'thân thiện' thì nay đã không hiệu quả. Đến giờ, không hề có một dự án hạ tầng lớn nào của Trung Quốc được hoàn thành ở Philippines.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang quân sự hóa nhiều khu vực ở Biển Đông và triển khai cả lực lượng quân sự dưới hình thức dân binh biển để đe dọa Philippines”.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng: “Tất cả các động thái của Bắc Kinh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, và chưa có chỉ dấu nào cho thấy chính sách của ông Duterte đối với Bắc Kinh có thể dẫn đến bất cứ sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc.
Vì vậy, giữa bối cảnh của những vụ việc gần đây, Bộ Quốc phòng Philippines đã tìm cách thúc đẩy để có cách ứng phó cần thiết. Ngoài ra, có một yếu tố đáng lưu ý là Mỹ gần đây đã triển khai tàu chiến đến khu vực này để phản ứng hành vi của Trung Quốc”.
“Từ nhiều yếu tố trên, Tổng thống Duterte dường như đang đứng trước các áp lực đòi hỏi phải cứng rắn với Trung Quốc”, ông Heydarian nhận định.
| Vụ tàu cá Trung Quốc ở Đá Ba Đầu: EU ra chiến lược mang tính 'bước ngoặt' |
Thực tế, Tổng thống Duterte cũng đã có thay đổi trong việc đưa ra các tuyên bố đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Tờ South China Morning Post ngày 20/4 dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố về Biển Đông rằng, ông sẵn sàng điều động tàu chiến đến Biển Đông để đối phó với tàu Trung Quốc đang hiện diện tại đây.
Nhà lãnh đạo Philippines còn đe dọa, khi đó hậu quả sẽ rất “đẫm máu”. Điều này hoàn toàn khác với các phát ngôn thân thiện mà Tổng thống Duterte dành cho Trung Quốc suốt các năm qua, bất chấp xảy ra nhiều vấn đề căng thẳng giữa 2 nước.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Ngày 2/5, tờ Global Times thông tin, 1 nhóm chiến hạm Trung Quốc được dẫn đầu bởi tàu sân bay Sơn Đông vừa tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông nhằm “tập huấn năng lực sẵn sàng tác chiến”.
Trước thông tin tàu Sơn Tây Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam của Trung Quốc ngày 28/4 đã tiến vào Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt tuyên bố: Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Việt Nam mong rằng, các nước sẽ nỗ lực đóng góp để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông. |