Nhỏ Bình thường Lớn

ASEAN+3: Nhiều sáng kiến đào tạo cán bộ ngoại giao

Hội nghị Giám đốc Viện Đào tạo Ngoại giao các nước ASEAN+3 (gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản) lần thứ 11 tại Seoul, Hàn Quốc (từ ngày 27-29/4/2016) là cơ hội rất tốt để các bên trao đổi kinh nghiệm và hợp tác.

Đoàn đại biểu các nước tham dự có từ hai đến năm người, gồm các giáo sư, đại sứ và cán bộ ngoại giao dày dặn kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ và thảo luận các cơ hội hợp tác.

Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (Korean National Diplomatic Academy - KNDA) với vai trò chủ nhà đã tiếp đón đại biểu các nước trọng thị và chu đáo, tổ chức những sự kiện đầy ý nghĩa và thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

KNDA đã mời cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế - ông Han Sung-joo tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc. Là một nhà ngoại giao gắn bó với những nỗ lực đầu tiên thúc đẩy sự hình thành và phát triển của cơ chế ASEAN+3, ông Han Sung-joo đã có bài phát biểu dẫn đề sâu sắc về chủ đề này.

asean3 nhieu sang kien dao tao can bo ngoai giao
Bà Phạm Lan Dung (ngoài cùng bên trái) chụp cùng đại diện các nước tại Hội nghị.

Phương pháp giảng dạy mới

Đại biểu các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Myanmar, Hàn Quốc và Indonesia đều có bài tham luận tại Hội nghị về các chủ đề như: Phương pháp giảng dạy mới và việc áp dụng công nghệ trong đào tạo các nhà ngoại giao;  Đào tạo và bồi dưỡng các nhà ngoại giao trong suốt quá trình công tác; Hợp tác quốc tế giữa các Viện Đào tạo Ngoại giao.

Với tư cách là Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ đối ngoại (FOSET), Học viện Ngoại giao, tại Hội nghị, tôi đã chia sẻ những nỗ lực của FOSET cùng với các đơn vị của Bộ và các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ngoại giao của Việt Nam, từng bước đổi mới và hoàn thiện chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy.

Giám đốc Viện Đào tạo Ngoại giao các nước đặc biệt quan tâm đến việc FOSET khuyến khích các giảng viên xây dựng và sử dụng các bài tập thực hành, bài tập tình huống (case study) trong quá trình giảng dạy. Các bạn cũng quan tâm, muốn tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về việc thử nghiệm áp dụng yêu cầu về tín chỉ đối với cán bộ ngoại giao.

Giám đốc Viện Ngoại giao Singapore, bà Foo Teow Lee, phát biểu sau phần trình bày của Việt Nam cho rằng Việt Nam và Singapore có nhiều điểm tương đồng trong việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao. Singapore cũng sử dụng các bài tập thực hành và bài tập tình huống trong quá trình giảng dạy. Bạn cũng xây dựng các chương trình bồi dưỡng gồm các mảng về kiến thức, kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, đồng thời áp dụng quy định về tín chỉ đối với cán bộ ngoại giao Singapore.

Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Trung Quốc, Giáo sư Qin Yaqing cũng ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm lâu năm của mình để có thể áp dụng yêu cầu về tín chỉ đối với cán bộ ngoại giao Trung Quốc. Để thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu các bài tập thực hành, bài tập tình huống trong giảng dạy, Trung Quốc đã phân công theo hạn ngạch (quota) để mỗi đơn vị trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng các tình huống trong từng lĩnh vực cụ thể.

Kinh nghiệm Hàn Quốc và EU

Hội nghị rất ấn tượng với phần trình bày của đại diện Hàn Quốc, ông Lee Moonbae về kinh nghiệm hoạt động của hệ thống và cơ chế đánh giá năng lực cán bộ của Chính phủ Hàn Quốc. Hệ thống này được xây dựng trên các kết quả nghiên cứu khoa học khách quan, được áp dụng rộng rãi trên thế giới, với sự tham gia đánh giá không chỉ của các cựu Vụ trưởng, các cán bộ cao cấp mà còn của các chuyên gia độc lập từ các công ty chuyên sâu trong lĩnh vực này.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được truyền cảm hứng với phần trình bày của khách mời, ông Stefano Baldi, Giám đốc Vụ Đào tạo, Bộ Ngoại giao Italy về kinh nghiệm hợp tác giữa Giám đốc Đào tạo của Bộ Ngoại giao các nước thành viên EU.

Các hình thức hợp tác đào tạo cán bộ ngoại giao của các nước EU rất đa dạng và phong phú, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ cao. Ngoài việc gửi cán bộ ngoại giao tham dự các khoá đào tạo, thực tập v làm việc tại các nước thành viên và tại các cơ quan của Liên minh, EU còn có các hình thức hợp tác khác như: họp trực tuyến  giữa  Giám đốc Đào tạo của các Bộ Ngoại giao một tháng một lần, chia sẻ thông tin trên các hệ thống cơ sở dữ liệu,...

Ông Stefano Baldi cũng chia sẻ những phương pháp đào tạo mới như trả lời phỏng vấn của các chương trình phát thanh, thuyết trình siêu tốc…

Kết thúc ba phiên làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội nghị đã thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất với đề xuất hợp tác do đại diện đến từ Indonesia tổng hợp. Các hình thức hợp tác được đề xuất khá phong phú, bao gồm: Tổ chức các khoá đào tạo về các chủ đề thu hút sự quan tâm của các nước, trong đó có vấn đề Biển Đông; cùng tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn tại các nước cho cán bộ ngoại giao trẻ hoặc cán bộ mới được tuyển dụng; chia sẻ thông tin, tài liệu giảng dạy, chương trình giảng dạy... Các đề xuất này sẽ được tổng hợp và báo cáo với Ban Thư ký ASEAN và các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN + 3 để cùng phối hợp triển khai.

Các cấp lãnh đạo của Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao, coi đây là một mảng quan trọng trong công tác phát triển Ngành. Không chỉ dành sự quan tâm và đầu tư các nguồn lực cho hoạt động này, nhiều đồng chí lãnh đạo, các nhà ngoại giao kỳ cựu còn trực tiếp tham gia giảng dạy, truyền kinh nghiệm và nhiệt huyết cho các thế hệ đi sau. Theo tôi, con người luôn là một trong những yếu tố chính quyết định sự thành công và đầu tư vào đào tạo luôn là sự đầu tư sáng suốt, đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội. Các nhà ngoại giao Việt Nam đang tham gia hiệu quả và thành công trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao, đặc biệt là hợp tác quốc tế với các nước ASEAN+3 trong lĩnh vực này sẽ giúp các nhà ngoại giao Việt Nam thành công hơn nữa trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

TS. Phạm Lan Dung Giám đốc Trung tâm FOSET