Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. |
Theo Thông báo của Bộ Ngoại giao, từ ngày 14-15/6/2019, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thành phố Dushanbe, Tajikistan.
CICA là gì?
CICA là diễn đàn được thành lập năm 1992 theo sáng kiến của Tổng thống Kazakhstan nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng ở châu Á và phát triển hợp tác giữa các nước thành viên trên những lĩnh vực chính như an ninh, kinh tế, môi trường, hợp tác nhân đạo, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Đây là diễn đàn liên chính phủ khu vực để đối thoại, tham vấn và thông qua các quyết định, biện pháp về các vấn đề an ninh ở Châu Á trên cơ sở đồng thuận. Năm 1999, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần đầu tiên được tổ chức và thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên CICA. CICA giữ quy chế quan sát viên tại Liên Hợp Quốc từ tháng 12/2007.
Thành viên hiện nay có 27 nước gồm Afghanistan, Ai Cập, Azerbaijan, Barain, Băng-la-đét, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Iraq, Israel, Jordan, Kazakhstan, Kygryzstan, Mông Cổ, Pakistan, Palestine, Qatar, Hàn Quốc, Nga, Sri Lanka, Tajikistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Uzberkistan, Việt Nam; 9 nước quan sát viên gồm Belarus, Indinesia, Nhật Bản, Malaysia, Philipines, Ukraine, Hoa Kỳ, Lào; 5 tổ chức có quy chế quan sát viên là Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Liên đoàn Ả Rập, Hội đồng Nghị viện các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (TURKPA), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Việt Nam tham gia CICA
- Từ năm 1993, Việt Nam tham gia CICA với tư cách khách mời và sau đó là quan sát viên. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Ca-dắc-xtan tháng 9/2009, Việt Nam tuyên bố xin gia nhập chính thức CICA.
- Ngày 14/10/2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã có thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Ca-dắc-xtan (nước Chủ tịch CICA) đề nghị kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức.
- Cuộc họp Uỷ ban quan chức cao cấp diễn ra vào tháng 1/2010 đã phê chuẩn Việt Nam chính thức gia nhập CICA tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ngày 7-9/6/2010, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ với chủ đề chính là "Tạo cách tiếp cận tập thể về an ninh tại Châu Á”.
- Tháng 9/2011, Phái đoàn Việt Nam tại New York đã tham dự Cuộc họp không chính thức lần I cấp Bộ trưởng Ngoại giao CICA tổ chức bên lề ĐHĐ LHQ khóa 66.
- Tháng 9/2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần thứ 4 và Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập CICA tại Kazakhstan.
- Tháng 9/2013, Phái đoàn Việt Nam tại New York đã tham dự Cuộc họp không chính thức lần II cấp Bộ trưởng Ngoại giao CICA tổ chức bên lề ĐHĐ LHQ khóa 68.
- Từ 20-21/5/2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc.
- Ngày 28/4/2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao CICA lần thứ 5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
- Ngày 14-15/6/2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm tổ chức tại Dushanbe, Tajikistan.
Việt Nam tham gia CICA nhằm tạo thêm kênh đối thoại tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với các nước Trung Á và Trung Cận Đông. Việt Nam đã tham gia ở mức độ hợp lý tại các sự kiện CICA; thể hiện được hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm và tích cực đối với các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm.