Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu, chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đại học Harvard. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều ngày 3/4 (giờ địa phương), đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã kết thúc thành công tốt đẹp Chương trình Lãnh đạo cao cấp (VELP) 2024 sau 3 ngày (từ 1-3/4) làm việc tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ.
Phát biểu bế mạc Chương trình VELP 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, trên tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, Chương trình VELP lần thứ 9 đã thành công với 10 chuyên đề rất thiết thực và hữu ích đối với các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ đánh giá cao và cảm ơn những nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, hệ thống của các giáo sư Đại học Harvard, Đại học Fulbright và chuyên gia của Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc tăng cường năng lực nội tại, sức chống chịu, thích ứng, quản trị rủi ro của nền kinh tế là đòi hỏi tất yếu và rất cần thiết đối với kinh tế Việt Nam trước những diễn biến nhanh, khó lường, phức tạp của tình hình thế giới.
Trên cơ sở các khuyến nghị chính sách của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các thành viên Đoàn công tác tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến phù hợp để tham mưu với Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô, nhất là xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cũng như góp phần thúc đẩy triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
10 Phiên chuyên đề của Chương trình VELP 2024 tập trung thảo luận ba nội dung chính về: (i) Triển vọng và những diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới, kinh tế châu Á, đánh giá các xu thế chuyển đổi lớn và tác động đến kinh tế Việt Nam; (ii) Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới nổi; (iii) Các giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đáng chú ý, Chương trình năm nay dành nhiều thời lượng trao đổi về xu hướng phát triển của các công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn.
Tại các phiên thảo luận, các giáo sư, chuyên gia đánh giá cục diện kinh tế, chính trị toàn cầu đang chuyển biến sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều xu thế mới với quy mô và tốc độ vượt trội đang đặt ra những tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Ý kiến chung nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2024 với mức dự báo khoảng 6,4% và có thể đạt tới 6,8% nếu tận dụng tốt sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và mở rộng tiêu dùng nội địa.
Trong dài hạn, các chuyên gia bày tỏ lạc quan đối với tiềm năng phát triển bền vững của Việt Nam nhờ nguồn nhân lực dồi dào, khả năng hấp thụ các công nghệ mới nổi, thúc đẩy nền kinh tế đổi mới sáng tạo và mạng lưới hợp tác kinh tế đa phương với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao công tác hoạch định, xây dựng chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả của khâu tổ chức thực hiện chính sách.
Để kịp thời thích ứng với rủi ro trong thế giới gia tăng bất định và vượt qua các thách thức nội tại để “cất cánh” phát triển, các giáo sư, chuyên gia Đại học Harvard đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng, có tính chiến lược và bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ các ngành mới nổi, công nghệ cao, tăng cường hợp tác công - tư trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái ngành AI, phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng…
Tại các phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam đã chia sẻ quan điểm, tầm nhìn, định hướng phát triển của Việt Nam, trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong phát triển kinh tế và nhấn mạnh ý nghĩa của việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài đóng vai trò quan trọng, đột phá, trong khi củng cố nội lực là cơ bản, có vai trò quyết định.
Nhân dịp tham dự Chương trình VELP 2024, chiều ngày 3/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm khách sạn Omni Parker House, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong thời gian Người sống tại thành phố Boston từ năm 1911-1913.
Phó Thủ tướng bày tỏ xúc động và trân trọng cảm ơn ban giám đốc cùng đội ngũ nhân viên của khách sạn đã lưu giữ những hình ảnh và kỷ vật quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng đề nghị khách sạn bảo tồn khu di tích, tiếp tục là điểm đến ý nghĩa với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế quan tâm tìm hiểu về chặng đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Kirsten Gillibrand Việt Nam sẵn sàng cùng Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện theo hướng ngày càng thực chất, đi vào ... |
| Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam Thượng nghị sĩ Kristen Gillibrand khẳng định, Hoa Kỳ mong muốn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ những lĩnh vực chủ chốt ... |
| Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khai mạc Chương trình Lãnh đạo cao cấp 2024 tại Hoa Kỳ Phó Thủ tướng tin tưởng Chương trình VELP 2024 sẽ giúp gợi mở nhiều vấn đề mang tính chiến lược, định hình tầm nhìn cùng ... |
| Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và đại diện trí thức người Việt Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tạo không gian ... |
| Không khí hứng khởi của hành trình mới Từ trụ sở Bộ Ngoại giao đến trụ sở Hội đồng An ninh quốc gia hay Viện Brookings... chương trình hoạt động dày đặc của ... |