📞

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Sẽ thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức không dám làm, né tránh

Anh Sơn 06:30 | 09/06/2023
Giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2023 và tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hộivà đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn.

Theo Phó Thủ tướng, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, còn không ít hạn chế, bất cập và nhiều khó khăn, như tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; chỉ số nhà quản trị mua hàng tiếp tục giảm.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là công nhân lao động, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin lắng nghe, tiếp thu và tiếp tục bám sát các mục tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tích cực, chủ động, kịp thời, linh hoạt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2023”, Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm được đại biểu Quốc hội nêu ra trong Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thanh, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh, kiểm tra đột xuất...

Bên cạnh đó, kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Còn nhiều dư địa để giảm chi phí logistics

Đầu phiên họp sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải đáp rõ ràng, thỏa đáng nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Giải đáp ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề về chi phí logistics, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều.

Toàn cảnh phiên họp tại hội trường ngày 8/6.

Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, đầu tư phát triển cảng cạn, trung tâm logistics để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Theo Bộ trưởng, hiện đã ban hành được 4 quy hoạch, chỉ còn quy hoạch cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn tất các thủ tục, lấy ý kiến và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến chất lượng công tác thanh, kiểm tra trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, đây là một trong những tồn tại, nguyên nhân xảy ra sai phạm tại các Trung tâm Đăng kiểm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hoạt động đăng kiểm có đặc thù là tương đối khép kín, thanh tra chỉ kiểm tra trên hồ sơ, trong khi các sai phạm không nằm trong hồ sơ, "hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn sai phạm".

Bên cạnh đó, đăng kiểm có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra những yếu tố liên quan đến phương tiện, nhưng phần mềm này bảo mật kém nên dễ bị lợi dụng. Các Trung tâm Đăng kiểm phía dưới có thể dùng phần mềm can thiệp, làm thay đổi số liệu.

Thanh tra với nghiệp vụ bình thường không phát hiện ra. Các tiêu cực khác như nhận tiền, tham nhũng cũng là ở ngoài hồ sơ, nên khó cho thanh tra.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, rất tích cực đeo bám, tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đã trả lời đầy đủ, nhận diện đúng các tồn tại trong ngành, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách,Đáp nhiệm vụ của Bộ và ngành giao thông vận tải.

Đáp ứng nhu cầu, mong muốn của nhân dân và cử tri

Trưa 8/6, sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước.

Cùng với 4 vị Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn về: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải và Dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ hơn những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn và trả chất vấn.

Tại Kỳ họp này, 454 lượt đại biểu Quốc hội đã đăng ký tham gia chất vấn; 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm; nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 861 lượt người, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, được đại biểu Quốc hội rất quan tâm và rất có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp năm 2022, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn như Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu như: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, kể cả vấn đề khó và phức tạp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn lần này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri.

Tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

Trong phiên làm việc chiều 8/6, với 451/459 phiếu tán thành (đạt 91,3%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 gồm 4 chuyên đề. Trong đó, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát 2 chuyên đề.

Tiếp theo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển.

Cơ bản tán thành với các cơ chế tài chính đối với Công ty Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) quy định Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho công ty là chưa đủ.

"Công ty tài chính với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố trong khi nhu cầu của lĩnh vực ưu tiên rất lớn, ví dụ như là phát triển đường sắt đô thị (25 tỷ USD). Tôi đề nghị cần có cơ chế tài chính đặc thù, nguồn tài chính cho công ty tài chính thành phố như phát hành trái phiếu quốc tế và ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu rõ.

Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới như đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.