📞

Phó Thủ tướng Novak: Châu Âu đang thiếu hụt khí đốt và Moscow 'có mọi khả năng' để khôi phục nguồn cung

Việt An 10:32 | 26/12/2022
Ngày 26/12, hãng tin TASS của Nga dẫn phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay, thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn mở cửa cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, đồng thời cho biết thêm, trong 11 tháng của năm 2022 nguồn cung LNG đã tăng lên mức 19,4 tỷ m³.
Trạm nén khí trên đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu. (Nguồn: Reuters)

TASS dẫn phát biểu của ông Novak nêu rõ: “Ngay cả bây giờ thị trường này vẫn chưa đóng cửa. Ví dụ, chúng tôi đã có thể tăng đáng kể nguồn cung LNG cho châu Âu trong năm nay, vốn đã tăng lên tới 19,4 tỷ m³ trong 11 tháng của năm 2022 và chúng tôi dự kiến sẽ đạt 21 tỷ m³ vào cuối năm nay”.

Phó Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng, vẫn còn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu, vì vậy Nga sẵn sàng nối lại nguồn cung cấp qua đường ống Yamal-châu Âu. Moscow cũng tiến hành các cuộc đàm phán về việc tăng nguồn cung qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một trung tâm khí đốt được thành lập ở nước này.

Ông Novak chỉ rõ: “Tình trạng thiếu hụt khí đốt vẫn còn và chúng tôi có mọi khả năng để khôi phục nguồn cung cấp. Ví dụ, đường ống Yamal-châu Âu, bị đóng cửa vì động cơ chính trị, vẫn chưa được sử dụng”.

Hiện Nga cung cấp khí đốt thông qua đường ống TurkStream hiện đang chạy hết công suất, trong khi tuyến đường ống qua Ukraine cung cấp 42 triệu m³ khí đốt mỗi ngày, tương đương khoảng 1/3 khối lượng vận chuyển được nêu trong hợp đồng.

Đường ống Yamal-châu Âu thường chảy theo chiều từ Nga sang châu Âu nhưng đã chậm lại từ tháng 12/2021, khi Ba Lan từ chối mua khí đốt từ Nga để chuyển sang sử dụng khí đốt dự trữ ở Đức.

Vào tháng 5/2022, Warsaw đã chấm dứt thỏa thuận với Moscow sau khi Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble.

Nhà cung cấp Gazprom của Nga sau đó tuyên bố ngừng chuyển khí đốt sang Ba Lan, viện dẫn Moscow trừng phạt công ty vận hành phần đường ống Yamal-châu Âu chạy trên lãnh thổ Ba Lan.

Phó Thủ tướng Novak khẳng định, Nga tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của nước này. Thế giới đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng do các công ty dầu mỏ và khí đốt phương Tây ít đầu tư trong lĩnh vực này.

(theo TASS)