📞

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc tại Quảng Ngãi

15:00 | 24/07/2017
Sáng 24/7, tại Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi về thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích hộ nghèo tự vươn lên

Về tình hình thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo, miền núi trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho biết: Đây là công tác được lãnh đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đặc biệt quan tâm (nhất là chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi). Bởi Quảng Ngãi có tới 6 huyện miền núi thuộc chương trình 30a; đồng bào sinh sống trên địa bàn gồm 3 dân tộc chính là Hrê, Kor, Ca Dong...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Chính phủ như: Chương trình 30a, Chương trình 135, chính sách hỗ trợ di dân, tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách hỗ trợ về giáo dục, chính sách về hỗ trợ dạy nghề, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng yếu thế và các chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Theo đó, kết quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 13,5%, trong đó tại 6 huyện miền núi giảm 4,83% (từ 46,7% xuống còn 41,9%). Hầu hết các hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, nhất là có nhiều cơ hội để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi cũng nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, còn nhiều hộ gia đình tái nghèo và hộ nghèo mới phát sinh, nguồn lực đầu tư cho chương trình chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, hiệu quả một số dự án giảm nghèo còn hạn chế,...

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi 5,54%/năm theo chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho người nghèo. Thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu vốn đã quy định. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn theo hướng lồng ghép với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020…

Tỉnh khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, hộ gia đình nào tạo nhiều giá trị sản phẩm thì càng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Tránh tư tưởng “không thoát nghèo” để hưởng các ưu đãi. Bên cạnh đó,  tỉnh ưu tiên hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo từ đất các nông lâm trường sử dụng không hiệu quả để tạo sinh kế cho người dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ báo cáo.

Phấn đấu mỗi năm giảm 5,7% hộ nghèo tại các huyện miền núi

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những thành quả về KT-XH nói chung và thực hiện các chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn thời gian qua. Đây là nền tảng quan trọng để các cấp trong tỉnh và đồng bào các dân tộc tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng, trong đó KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những yếu kém, hạn chế mà cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh cần phấn đấu vươn lên.

Đó là, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn các địa phương trong vùng và bình quân cả nước. Đặc biệt, số huyện nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ở miền núi giảm chậm, thiếu bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng núi và vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn....

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh cần chú trọng thực hiện một số giải pháp về công tác dân tộc. Cụ thể là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc; Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số gây mất an ninh trật tự.

Đối với một số vấn đề phát triển KT-XH, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh đẩy mạnh đầu tư cho các huyện miền núi, phát triển kinh tế rừng tại các huyện vùng cao phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, chuyển đổi nghề nghiệp gắn với đất rừng để vươn lên từng bước thoát nghèo...

Đặc biệt, tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi theo hướng lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; nhất là các chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi nghề, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo cơ hội tốt để đồng bào tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng dịch vụ, phúc lợi xã hội; thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động người dân tộc; hỗ trợ người dân tộc thiểu số như nhà ở, quy hoạch dân cư hộ nghèo, hộ sống ở vùng thường bị thiên tai theo hướng ổn định, phát triển bền vững. Phấn đấu năm 2017 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,9% năm, riêng các huyện miền núi giảm 5,7%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

“Đây là mục tiêu cao, thách thức lớn cho tỉnh. Vì vậy, cần tập trung cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại các vùng khó khăn để thúc đẩy các địa bàn nghèo phát triển”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào thiểu số, Phó Thủ tướng cho rằng, cần hun đúc ý chí thoát nghèo từ cho các em học sinh, gắn với nhu cầu thiết yếu của địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo ở các cấp học, nhất là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho con em các dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp... Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và thực hiện dịch vụ y tế của trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số. Phát triển mạnh y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Thực hiện tốt các chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới; chăm sóc và bảo vệ trẻ em; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phòng chống mê tín, dị đoan, suy thoái đạo đức, lối sống trong cộng đồng dân cư. Đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số, nhất là trong giới trẻ hiện nay.

Quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Xây dựng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội đến từng thôn bản; tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt về công tác ở địa bàn dân tộc thiểu số, nhất là những nơi xung yếu về quốc phòng, an ninh; động viên, khuyến khích người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời, vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Về giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững chắc. Chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch,..

Đồng bào các dân tộc luôn một lòng theo cách mạng, đây là nền tảng cơ bản để xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, tạo thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh để phát triển KT-XH mạnh mẽ thời gian tới, Phó Thủ tướng nói.

Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao các bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.