Phó Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2015. |
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hơn 300 đại biểu đại diện các Tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp…
Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2015 là cơ hội để các doanh nghiệp cùng những bên liên quan cập nhật thông tin về những chủ đề và xu hướng mới liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời tìm hiểu và thảo luận về các thông lệ, giải pháp và mô hình kinh doanh bền vững trên thế giới và Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện năng suất, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Tiêu biểu là trong năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do đó, các doanh nghiệp cần phát huy những thế mạnh sẵn có để trụ vững trên thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần chủ động tìm kiếm hướng đi mới, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.
“Đầu tiên muốn bền vững thì kinh tế phải phát triển. Muốn phát triển thì môi trường kinh doanh nhất định phải được hoàn thiện thêm. Tất cả những gì chưa hoàn thiện, thì nhất định phải gỡ bỏ, tất cả những nhân tố dẫn tới sự cạnh tranh bình đẳng phải được cổ vũ. Làm sao để tiếp cận được nguồn lực, tài nguyên đất đai vốn liếng cho những doanh nghiệp phát triển. Làm sao cho những yếu tố khiến cho môi trường kinh doanh bị méo mó sẽ bị loại bỏ” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng cảnh báo, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp thiếu quan tâm tới phát triển bền vững. Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần có một tầm nhìn xa hơn để thiết lập và duy trì sự bền vững cho kinh tế xã hội đất nước ngay từ bây giờ.
Theo ông Vorapong, Giám đốc quan hệ Chính phủ khu vực Đông Nam Á, đồng chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, trong thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả của phát triển bền vững, cần phát triển một công cụ đo lường để ghi lại những nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình phát triển doanh nghiệp bền vững hơn.
Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cũng đặt kế hoạch xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị và xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế cho tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, chính quyền, nhà đầu tư và công chúng.
Đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong việc thúc đẩy phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội bền vững tại Việt Nam, Nữ Nam tước Thornton, Thứ trưởng Bình đẳng, Đảng Đối lập của Thượng viện Vương quốc Anh cho biết, nhân tố then chốt tạo nên một doanh nghiệp xã hội là con người – những người có mơ ước, động lực và khao khát giải quyết các vấn đề xã hội cũng như môi trường, và tự hào với công việc của mình. Ngoài ra, một môi trường chính sách thuận lợi, những hỗ trợ kinh doanh xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp xã hội cũng rất quan trọng.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, để nâng cao khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam: “cần một mặt phát huy những thế mạnh sẵn có để trụ vững trên thị trường, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; mặt khác, cần chủ động tìm ra hướng đi mới, cụ thể là tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững trên toàn cầu mang lại.”
Phi Vũ