Các thành viên Ban Chỉ đạo năm 2018 đánh giá công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát thành công, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,54%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra là khoảng 4% và là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới 4%, góp phần quan trọng vào thành công chung của kinh tế, xã hội, củng cố nền tảng vĩ mô, tạo niềm tin với người dân và doanh nghiệp vào công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành.
Nguyên nhân của thành công này là nhờ các bộ, ngành quán triệt tinh thần điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường, vừa theo nhịp độ biến động của giá cả thế giới, vừa điều chỉnh một bước giá các dịch vụ công mà nhà nước quản lý sát hơn với thị trường; có kịch bản điều hành giá từng tháng, từng quý ngay từ đầu năm trên cơ sở tính toán khoa học; có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, thành viên Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo và vai trò của công tác thông tin truyền thông nhanh nhạy, chính xác, kịp thời trong thông tin về giá cả, thị trường.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp . |
Về công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định ngành công thương đã tổ chức sản xuất, phân phối hàng hoá tới các vùng sâu, vùng xa, các đô thị lớn tập trung nhiều công nhân, bảo đảm không để “sốt” hàng, “sốt” giá.
Tại cuộc họp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng Nhà nước cũng trình bày các kịch bản điều hành giá trong năm 2019 để Ban Chỉ đạo thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng tình với nhận định của các thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là các kịch bản điều hành giá trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cho các bộ, ngành, địa phương điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 3,3-3,9%, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019 là kiểm soát chỉ số này dưới 4%.
“Đây là kịch bản đã được tính toán trên cơ sở điều chỉnh giá cả các mặt hàng xăng dầu, thịt heo, tiếp tục đưa kết cấu lương, một phần chi phí quản lý vào dịch vụ y tế, giá điện. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản là khoảng 1,6-1,8%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ và đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê bổ sung, điều chỉnh các kịch bản quản lý giá cả theo mục tiêu trên.
Đối với điều hành giá cả một số mặt hàng cụ thể, như việc điều chỉnh giá điện trong năm 2019, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ với điều chỉnh giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng, thời điểm phù hợp. Việc điều chỉnh giá điện vừa thu hút được các nhà đầu tư năng lượng và tiết giảm chi phí cho sản xuất, tiêu dùng. Ngành điện tăng cường cơ cấu lại sản xuất, lao động, tăng cường công nghệ để tiếp tục cắt giảm các chi phí sản xuất điện.
Năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá BOT sẽ cơ bản ổn định sau khi các trạm BOT thực hiện quyết toán, điều chỉnh giảm giá trong năm 2018. Hết năm 2019, Bộ GTVT sẽ phải hoàn thành thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc để nâng cao tính minh bạch trong thu, sử dụng khoản phí này.
Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương xây dựng kịch bản điêu hành cả năm trên cơ sở bám sát giá xăng dầu thế giới, có phương án sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, có chính sách khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Bộ Y tế bám sát việc thực hiện kết cấu chi phí tiền lương, chi phí quản lý vào dịch vụ khám chữa bệnh, cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế, kể cả vấn đề đàm phán giá để quyết tâm kéo giảm tiếp giá thuốc trên tinh thần cung cấp đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh với giá cả hợp lý.
Với công việc trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu “Quý I/2019, tăng cường bảo đảm cung cầu, tuyệt đối không để xảy ra “sốt” hàng, tăng giá, tập trung đưa hàng hoá tới vùng sâu, vùng xa, các thành phố tập trung đông công nhân để bảo đảm tháng 2/2019 có mức tăng lạm phát thấp nhất”.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí và mong các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô.