Đây là những doanh nghiệp hàng đầu của Pháp tới tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tháp tùng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édourd Philippe.
Chào mừng đoàn doanh nghiệp Pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nền kinh tế của Việt Nam luôn ổn định, phát triển trong nhiều năm qua mặc dù căng thẳng thương mại trên thế giới liên tục gia tăng. Quan hệ chính trị của hai quốc gia phát triển tốt đẹp nhưng quan hệ kinh tế, thương mại vẫn còn rất khiêm tốn. Giá trị xuất nhập khẩu hai chiều mới chỉ bằng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp đoàn doanh nghiệp Pháp. |
Phó Thủ tướng cho biết việc đông đảo doanh nghiệp hàng đầu của Pháp sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam là cơ hội để hai bên lắng nghe ý kiến của nhau, cùng thúc đẩy hợp tác, đầu tư của Việt - Pháp tăng cao hơn nữa.
Trưởng đoàn doanh nghiệp Pháp Thierry Mathou nhắc lại vào đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Pháp đã nhất trí tăng cường sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam và đây là lý do Thủ tướng Pháp cùng các doanh nghiệp tới Việt Nam lần này.
“Các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam lần này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, y tế, công nghệ thông tin và có cả những start-up, cùng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam để hai bên cùng phát triển”, ông Thierry Mathou nói.
Đại diện nhiều doanh nghiệp Pháp đồng tình cho rằng hợp tác kinh tế hai bên còn có thể phát triển tốt hơn nữa, tin tưởng Pháp có đủ kinh nghiệm trong các lĩnh vực chống hàng giả, sở hữu trí tuệ, y tế, phát triển công nghệ số, đô thị thông minh để hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tiếp. |
Hoan nghênh thiện ý đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp Pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phát triển nhanh trong các lĩnh vực để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, bảo đảm bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó, Việt Nam đã và đang cơ cấu lại mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển từ phương thức phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng làm thước đo đánh giá.
Vừa qua, Việt Nam cũng tổng kết 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và đang có những điều chỉnh chiến lược trong thu hút dòng vốn này với trình độ hiện đại, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để hình thành chuỗi sản xuất toàn cầu.
Để cải cách kinh tế hiệu quả, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế, trong đó có cả các biện pháp chống hàng giả, bảo vệ sở hữu trí tuệ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Pháp ủng hộ, tác động tới chính giới Pháp sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
“Việt Nam mong học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp của Pháp. Thành công của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam cũng chính là thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.