Năm 2020 từng được kỳ vọng là một năm quan trọng để hai châu lục châu Âu - châu Phi phát triển quan hệ.
Tuy nhiên, các kế hoạch cho việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác châu Phi-Liên minh châu Âu cùng với việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh và ký kết một hiệp ước đều đã thất bại trong năm 2020.
Kỳ vọng và thất vọng
Tháng 3/2020, khi Cao ủy phụ trách các mối quan hệ đối tác quốc tế của Liên minh châu Âu (EU) Jutta Urpilainen và Đại diện cấp cao EU Josep Borrell công bố "Chiến lược châu Phi mới", nhiều người đã lạc quan trước viễn cảnh tươi đẹp của mối quan hệ EU-châu Phi.
Ông Borrell tuyên bố với báo chí: "EU là đối tác hàng đầu của châu Phi về thương mại, đầu tư, phát triển, hợp tác và an ninh". Thông báo chiến lược mới này được coi là màn mở đầu cho hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU)-EU.
Trước đó, các nguyên thủ của 55 quốc gia AU và 27 quốc gia EU dự định sẽ kỷ niệm quan hệ đối tác mới tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng 10/2020.
Nhiều người đã lạc quan trước viễn cảnh tươi đẹp của mối quan hệ EU-châu Phi khi "Chiến lược châu Phi mới" được công bố tháng 3/2020. (Nguồn: DW) |
Việc Đức giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU từ tháng 7-12/2020 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quyết định. Trong một bài phát biểu quan trọng hồi tháng 5/2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố "châu Phi là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của chúng tôi".
Tuy nhiên, mọi việc đã diễn ra khác với mong đợi. Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi bị hoãn đến năm 2021 do đại dịch Covid-19. Đề xuất về một cuộc họp trực tuyến cũng không được ủng hộ.
Ngoài ra, một hiệp định kế thừa của Hiệp định Cotonou về điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế giữa EU và hơn 70 nước thuộc địa cũ ở châu Phi, châu Á và khu vực Thái Bình Dương đã bị hủy bỏ.
Chiến lược châu Phi mới vẫn chưa được các nước thành viên EU thông qua.
Mathias Mogge, ủy viên Hiệp hội Chính sách Phát triển và Viện trợ nhân đạo của các Tổ chức phi chính phủ Đức (VENRO), một tổ chức bảo trợ cho các chương trình phát triển phi chính phủ của Đức, nói: “EU đang quá bận rộn với các vấn đề của chính mình, một phần do cuộc khủng hoảng COVID-19. Quan hệ đối tác với châu Phi kể từ đó đã trở nên mờ nhạt".
Khác biệt và tranh cãi
Các quốc gia châu Phi cũng tỏ ra thất vọng về mối quan hệ hiện tại với “lục địa già”.
Nhà nghiên cứu người Nigeria, Tiến sỹ Lynda Iroulo, làm việc tại Viện Các vấn đề châu Phi (GIGA) có trụ sở tại Hamburg (Đức), nhận định rằng "quan hệ giữa châu Âu và châu Phi không bao giờ công bằng. Bất chấp những thuật ngữ như 'hợp tác quốc tế', đây là một cuộc trao đổi không bình đẳng, khi châu Âu đóng vai trò là giáo viên còn châu Phi đóng vai trò là học sinh".
Những người làm việc cho các tổ chức phi chính phủ ở châu Phi cũng có quan điểm tương tự.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của VENRO với 221 nhân viên từ các tổ chức phi chính phủ châu Phi khác nhau, một nửa trong số họ cho biết hợp tác với châu Âu "không hoạt động tốt" hoặc "không hoàn thiện".
Quan hệ kinh tế là xung đột chính giữa hai châu lục. Các quốc gia châu Âu chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô từ châu Phi, trong khi xuất khẩu hàng hóa có giá trị sang châu lục này. Các nền kinh tế châu Phi hầu như không có cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn phụ thuộc.
Robert Kappel, nhà khoa học chính trị chuyên về châu Phi, nói: “Cấu trúc lệch lạc này không giúp loại bỏ các vấn đề của lục địa như tỷ lệ thất nghiệp cao và khu vực phi chính thức lớn”.
Di cư là một chủ đề khác gây tranh cãi gay gắt. EU thường xuyên gây áp lực buộc các nước châu Phi phải đảm bảo biên giới của họ để ngăn chặn dòng người di cư bất thường vào châu Âu.
"Chiến lược châu Phi mới" của EU cũng không thu hút được nhiều sự quan tâm. EU muốn hợp tác chặt chẽ hơn với châu Phi trong 5 lĩnh vực chính: chuyển đổi xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, tăng trưởng bền vững và việc làm, hòa bình và quản trị, di cư và tị nạn. Tuy nhiên, Mathias Mogge cho rằng chiến lược này chỉ một chiều.
Năm 2021 có trở thành năm quan trọng đối với quan hệ EU-châu Phi hay không phụ thuộc vào việc liệu hội nghị thượng đỉnh AU-EU đã được lên kế hoạch có diễn ra vào đầu năm 2021 hay không. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo ở cả hai lục địa cần nhất trí về các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh. Nhà khoa học chính trị Kappel nói: “Mối quan hệ giữa châu Âu và châu Phi không thể tiếp tục như hiện nay. Cần phải có một khởi đầu hoàn toàn mới".
| 22 nhà khoa học Việt lọt top xếp hạng có tầm ảnh hưởng nhất thế giới 2020 TGVN. Trong công bố của Tạp chí PLoS Biology (Mỹ), có 22 nhà khoa học Việt đang công tác tại Việt Nam lọt top 100.000 ... |
| Thiên nhiên ngoạn mục của hòn đảo đẹp nhất thế giới 2020 TGVN. Đạt 94,83 trên 100 điểm, Palawan của Philippines đã được bình chọn là hòn đảo đẹp nhất thế giới trong giải thưởng của trang web ... |
| Thế giới 2020: 'Sởn gai ốc' với những tiên đoán của "Bản đồ tương lai toàn cầu" từ năm 2004 TGVN. Năm 2004, Cộng đồng tình báo Mỹ đã phát hiện một bản ghi nhớ có tên "Bản đồ tương lai toàn cầu", trong đó ... |