Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp định kỳ hàng tháng về tình hình nhân đạo Syria. |
Ông Lowcock cho biết, theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), 12,4 triệu người dân Syria, tương đương 60% dân số nước này, hiện đang ở trong tình trạng mất an ninh lương thực.
Đáng lo ngại hơn là chỉ trong hơn một năm vừa qua đã có thêm tới 4,5 triệu người rơi vào tình cảnh này. Đây được cho là kết quả của khủng hoảng kinh tế ngày một nghiêm trọng trong vòng 18 tháng qua cùng với tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Hiện ước tính chi phí chi tiêu cơ bản của mỗi gia đình cao hơn thu nhập trung bình ít nhất là 20%, khoảng 70% người dân Syria phải vay nợ, nhiều gia đình phải bán tài sản và gia súc để duy trì cuộc sống.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Thư ký cũng cập nhật về tác động của bất ổn an ninh tại nhiều khu vực tới cuộc sống của người dân Syria, trong đó thương vong dân thường đang có chiều hướng gia tăng tại miền Bắc Syria do các vụ tấn công bằng thiết bị nổ tự tạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại chung của tất cả thành viên HĐBA về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi tại Syria, trong đó đặc biệt là thông tin về tình trạng mất an ninh lương thực và tác động của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay tới người dân Syria, đặc biệt là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em.
Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên tại Syria tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm viện trợ nhân đạo không bị gián đoạn và đúng thời điểm tới tất cả vùng miền tại Syria.
Đại sứ kêu gọi tăng cường hỗ trợ quốc tế đối với người dân Syria, nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ tiếp cận vaccine Covid-19 trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước này.