Nhỏ Bình thường Lớn

Chương mới trong cải cách kinh tế của Trung Quốc

Trọng tâm chiến lược của Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX là tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XX tại Bắc Kinh, ngày 15-18/7. (Nguồn: THX)
Hội nghị Trung ương 3 khóa XX tại Bắc Kinh, ngày 15-18/7. (Nguồn: THX)

Gần 46 năm trước, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 3) khóa XI (tháng 12/1978) đã quyết định tiến hành cải cách nền kinh tế Trung Quốc. Kể từ đó, mỗi kỳ trong số 8 kỳ Hội nghị Trung ương 3 đều duy trì truyền thống “tập trung vào cải cách kinh tế”.

Sẵn sàng bước vào “vùng sóng lớn”

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX bế mạc đã thông qua Quyết định về việc cải cách sâu rộng toàn diện hơn nữa và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, cùng với đó là hơn 300 biện pháp quan trọng, liên quan cải cách cơ cấu, cơ chế và hệ thống được đưa ra. Quyết định này được mô tả là văn kiện mang tính cương lĩnh quan trọng, “chương mới” để nền kinh tế số một châu Á tiếp tục thúc đẩy cải cách - sự lựa chọn chủ động và chiến lược để củng cố và phát triển “hai kỳ tích” gồm kinh tế phát triển tốc độ nhanh và xã hội ổn định lâu dài.

Những cụm từ được đề cập thường xuyên nhất trong thông cáo kết thúc Hội nghị là “cải cách”, “phát triển”, “hiện đại hóa”, “kinh tế”, “chủ nghĩa xã hội”, "cải cách sâu rộng toàn diện”, “nhân dân”, “thị trường” và “mở cửa”. Qua đó, nêu rõ đến năm 2035 sẽ hoàn thành xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao về mọi mặt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Giới phân tích đánh giá, thông điệp sẵn sàng đi sâu cải cách toàn diện sẽ có tác động tích cực, bởi việc phát huy tốt hơn vai trò của cơ chế thị trường đồng nghĩa với việc giảm can thiệp hành chính, tạo môi trường kinh doanh công bằng, qua đó mở rộng hơn nữa không gian thị trường cho sự phát triển của doanh nghiệp; bù đắp những khiếm khuyết để kích thích các động lực nội tại và sức sáng tạo của toàn xã hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Trung Quốc Đường Phương Dụ, cho biết, “hơn 300 biện pháp, một số cải cách nhằm cải thiện và tăng cường các biện pháp cải cách hiện có, trong khi một số cải cách khác mới được đề xuất dựa trên nhu cầu thực tế và thăm dò thí điểm”.

Giới truyền thông quốc tế cho rằng, những mục tiêu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XX, có thể coi là sự tiếp nối công cuộc cải cách đã đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII năm 2013, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra từ Đại hội XX Cộng sản Trung Quốc đến nay.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai, quá trình cải cách toàn diện của Trung Quốc đã đi vào “vùng nước sâu” và đứng trước không ít khó khăn thách thức. Trước hết, phải kể đến môi trường bên ngoài diễn biến phức tạp trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, cạnh tranh nước lớn gay gắt, căng thẳng thương mại thường xuyên bùng phát…

Đồng thời, Trung Quốc cần khắc phục những khó khăn nội tại trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, các mâu thuẫn xã hội mới và nguyện vọng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn ngày càng gia tăng.

Quyết liệt, kiên nhẫn

Trang Eurasiareview nhắc lại cuộc họp Bộ Chính trị BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc (ngày 30/4) gợi ý các chủ đề chính của Hội nghị Trung ương 3 lần này, bao gồm cải cách toàn diện và hiện đại hóa sâu sắc hơn, đặt ra một cách tiếp cận chính sách là “giải quyết vấn đề và tập trung vào việc khắc phục vấn đề đó”.

Như nhận định của giới phân tích, Quyết định của Hội nghị Trung ương 3 khóa XX cho thấy sự quyết liệt nhưng kiên nhẫn của Trung Quốc khi đang bước vào “vùng sóng lớn”, Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước đi một cách thận trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều rủi ro.

Trên thực tế, yếu tố lớn nhất dẫn đến thành công kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ qua là quá trình chuyển đổi từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế Trung Quốc cũng được hưởng lợi rất nhiều từ các điều kiện như lợi thế chi phí lao động thấp, dân số và cơ chế đầu tư, thương mại quốc tế mở.

Nhưng trong khoảng 15 năm qua, những điều kiện kinh tế này đã thay đổi đáng kể. Đáng chú ý trong số những thay đổi này là dân số già và sự thụt lùi của toàn cầu hóa, đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của nước này đã giảm một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2023.

Chương trình nghị sự chính sách của Hội nghị Trung ương 3 lần này đã tập trung vào những cách thức thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng suất và cải thiện phúc lợi, bao gồm nghiên cứu và phát triển, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế và thực hiện chính sách công nghiệp, cải cách doanh nghiệp nhà nước và trao quyền cho khu vực tư nhân. Những điều này đòi hỏi các cải cách hơn nữa nhằm tái định vị nhà nước trong mối quan hệ với thị trường và doanh nghiệp.

Là một phần trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, nhằm mục đích tăng năng suất thông qua đổi mới. Một trong những cách để đạt được điều này là thông qua việc xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, bao gồm: các yếu tố sản xuất cao cấp, lĩnh vực năng lượng xanh và nền kinh tế kỹ thuật số.

Một đặc điểm khác của nền kinh tế Trung Quốc vốn tồn tại trong phần lớn thời kỳ cải cách là mức tiêu dùng tương đối yếu, nay đã được chú ý. Tiêu dùng yếu được xem là nguồn gốc nảy sinh một số vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 56% (2023), thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình của thế giới.

Giới quan sát bình luận, có thể một số người kỳ vọng Bắc Kinh công bố một chương trình kinh tế “tự do hóa táo bạo” trong dịp này. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó hiếm khi là phong cách cải cách kinh tế của Trung Quốc và hiện cũng không phải là thời điểm thích hợp để Bắc Kinh trở nên quyết liệt hơn.

Cải cách kinh tế của Trung Quốc được đánh giá là sử dụng cách tiếp cận “thực dụng”, nhấn mạnh các điều kiện để sự thay đổi trở nên khả thi và các quyết định hướng đến kết quả thực tế, tạo đà cho những bước cải cách tiếp theo, mà không nảy sinh xung đột. Trong khi đó, nền kinh tế số hai thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức mới, khó khăn hơn trong việc thực hiện những bước đi quyết liệt theo hướng tự do hóa, chẳng hạn gia tăng cạnh tranh địa chính trị với Mỹ, EU...

Theo giới phân tích, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục thúc đẩy cải cách trên cơ sở khoa học, chú trọng điều tiết hệ thống, tập trung giải quyết những khó khăn thách thức trọng điểm… sẽ là động lực căn bản cho công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc trong thời gian tới.

Một yếu tố được đánh giá là “rất mới” so với các Hội nghị Trung ương 3 trước đây, là Hội nghị 3 lần này đưa ra một thời hạn rõ ràng, thời gian cụ thể cho các mục tiêu và mốc cho tất cả cải cách là vào năm 2029. Đây được cho là thể hiện rõ sự quyết tâm của Bắc Kinh trong mục tiêu cải cách nền kinh tế.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Trung Quốc: Đổi mới trong bối cảnh mới

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Trung Quốc: Đổi mới trong bối cảnh mới

Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX diễn ra từ ngày 15-18/7 tại ...

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng thế nào nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và áp thuế?

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng thế nào nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và áp thuế?

Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% vào năm tới và 4,2% vào năm 2026. Những con số này sẽ giảm xuống 3% trong cả hai ...

Thêm mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung Quốc, Bắc Kinh đang dần 'lép vế'?

Thêm mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung Quốc, Bắc Kinh đang dần 'lép vế'?

Căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, mạng lưới cáp ngầm rộng lớn dưới biển đang được dự đoán ...

Thêm thuật ngữ mới 'suất ăn cho người nghèo', xu hướng tiêu dùng giản dị lên ngôi ở Trung Quốc

Thêm thuật ngữ mới 'suất ăn cho người nghèo', xu hướng tiêu dùng giản dị lên ngôi ở Trung Quốc

Thuật ngữ "suất ăn cho người nghèo" rộ lên trong thời gian gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc là biểu hiện mới nhất ...

Hợp tác năng lượng Nga-Trung Quốc: Bắc Kinh đưa ra 3 đề xuất, Tổng thống Putin nêu quan điểm

Hợp tác năng lượng Nga-Trung Quốc: Bắc Kinh đưa ra 3 đề xuất, Tổng thống Putin nêu quan điểm

Ngày 23/7, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường tham dự lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc-Nga lần thứ ...

Tin cũ hơn