Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo ngày 25/11. (Nguồn: TTXVN) |
Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, "đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại," được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo Ban Nội chính Trung ương, trong giai đoạn 2013-2020, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra làm rõ, kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, cả đương chức và nghỉ hưu. Kỷ luật của Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Kể cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước và các vụ án mà lâu nay được cho là "vùng cấm, nhạy cảm" đã được tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; kiên quyết xử lý nghiêm nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm, thể hiện nhất quán quan điểm "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai."
Đáng chú ý, một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong phòng, chống tham nhũng đã được tập trung tháo gỡ kịp thời và có chuyển biến tích cực. Các cơ quan đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; chấn chỉnh, khắc phục việc cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng."
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ngày càng đồng bộ, nhất là kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực...
Cơ chế phối hợp chặt chẽ
Có được những kết quả quan trọng đó là do chủ trương đúng, quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt; sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đặc biệt, không thể không kể đến sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ quan tham mưu trọng yếu của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, đây là thiết chế trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, tạo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, kể cả lập pháp, hành pháp, tư pháp với các cơ quan tham mưu nội chính của Đảng, kiểm tra của Đảng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết việc phối hợp, không chỉ các cơ quan hành chính với nhau mà còn giữa các cơ quan tố tụng trung ương với nhau, giữa các cơ quan tố tụng tư pháp trung ương với các cơ quan của Đảng, tạo ra cơ chế rất chặt chẽ để phòng, chống tham nhũng.
"Trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án có nhiều vướng mắc, khó khăn đặt ra, có thể là chứng cứ, xác định tội danh… và theo quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng làm theo luật. Nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ, vụ án sẽ kéo dài do nhận thức giữa các cơ quan tố tụng khác nhau," Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng chỉ rõ.
Do đó, Ban Chỉ đạo đã đề ra cơ chế phối hợp 5 cấp độ để đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng.
Cụ thể, vụ án, vụ việc nào có khó khăn, vướng mắc, thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan liên quan tham dự để trao đổi, tháo gỡ. Nếu các cơ quan vẫn chưa thống nhất, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để giải quyết, đây là cấp độ 1.
Nếu vẫn chưa thống nhất được sẽ chuyển lên cấp độ 2 là Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành. Trường hợp cấp độ 2 chưa giải quyết xong, chuyển sang cấp độ 3 là tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng họp để giải quyết. Nếu vẫn chưa thống nhất được, toàn thể Ban Chỉ đạo sẽ họp. Ở cấp này nếu vẫn chưa giải quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của vụ án. Đây là cơ chế 5 cấp độ.
Bên cạnh đó, còn có cơ chế phối hợp giữa các bộ, cục, vụ của cơ quan liên ngành. Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Trưởng ban Nội chính Trung ương (3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo) thường xuyên hội ý để giải quyết các vụ việc. Ban Chỉ đạo riêng về các vụ án, vụ việc cụ thể, phức tạp cũng được thành lập.
Đảm bảo giải quyết vụ án tham nhũng đúng tiến độ
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết từ năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo án cấp độ 1; cấp độ 2 là Ban Nội chính Trung ương theo dõi, chỉ đạo; cấp độ 3 là tỉnh, thành ủy chỉ đạo theo dõi).
Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc. Đến nay, các cơ quan kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; xét xử phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII tới nay, các cơ quan đã xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc; đã xét xử sơ thẩm 72 vụ án, 637 bị cáo; xét xử phúc thẩm 54 vụ án, 484 bị cáo.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, tạo bước chuyển mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến, ngay từ giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra giải quyết vụ án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra đã phối hợp chặt chẽ trong thụ lý nguồn tin, đề ra yêu cầu xác minh thu thập tài liệu chứng cứ quan trọng làm căn cứ khởi tố vụ án. Khi có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ và đường lối giải quyết vụ án, Viện Kiểm sát đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra họp liên ngành để thống nhất đường lối giải quyết.
Trong giai đoạn truy tố và chuẩn bị xét xử, lãnh đạo Viện Kiểm sát và Tòa án đã tổ chức các cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để dự kiến những tình huống phức tạp phát sinh tại phiên tòa, từ đó có kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự.
Đối với vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã biệt phái kiểm sát viên cao cấp giỏi nghiệp vụ làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, đảm bảo nắm chắc hồ sơ vụ án, thực hiện tốt việc tranh tụng tại tòa.
Dẫn chứng vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam ở tỉnh Phú Thọ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ chỉ rõ đây là một trong những vụ án điển hình về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc nên có tính chất phức tạp, phạm vi của vụ án rất rộng, có nhiều bị can, nhiều cá nhân, tổ chức liên quan và số lượng các vật chứng, tài khoản phong tỏa, tài sản kê biên, tạm giữ lớn.
Để bảo đảm đúng tiến độ giải quyết vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã cử hai thẩm phán tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, đóng góp ý kiến trực tiếp với các điều tra viên để khắc phục các thiếu sót trong giai đoạn điều tra, tránh việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Tại giai đoạn này, nhiều cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương, liên ngành tư pháp địa phương được tổ chức, có sự tham gia của Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ và các Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ. Do đó, đến khi Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra vụ án, các thẩm phán gần như đã nắm chắc hồ sơ và bao quát toàn bộ vụ án.
Trước khi xét xử, thẩm phán-chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã phối hợp với kiểm sát viên để dự liệu các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa nhằm bảo đảm cho việc tranh tụng tại phiên tòa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng đã đảm bảo giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng đúng tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự công minh, chính trực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước.