Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc (BCĐQG), tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa cùng nhau chung sức tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về kháng thuốc và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Theo các chuyên gia, người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi bác sỹ kê đơn. (Nguồn: baonhandao.vn) |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết hành động cấp địa phương, BCĐQG về phòng, chống kháng thuốc, tổ chức FAO và WHO đã phối hợp phát động Tuần lễ Truyền thông về kháng thuốc tại tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 13/11.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Trưởng BCĐQG về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam cho rằng: “Có được các chính sách và cam kết mạnh hơn của cấp lãnh đạo thì chưa đủ để chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Chúng ta phải vận động cộng đồng và đảm bảo rằng mọi người đều biết cách sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi nhà quản lý, nông dân, bác sỹ, bệnh nhân và người tiêu dùng phải hành động để chấm dứt sự gia tăng của nguy cơ kháng thuốc (AMR) trong cộng đồng”.
Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á thể hiện cam kết đa ngành và hành động ở tất cả các cấp chính quyền nhằm chống tình trạng kháng thuốc. “Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo ấn tượng trong việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành. Chúng tôi chứng kiến quá trình cải thiện liên tục trong hệ thống giám sát và kiểm soát việc sử dụng kháng sinh để bảo vệ sức khỏe con người và động vật”, ông JongHa Bae, Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam và TS. Kidong Park, Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã kêu gọi Bộ Y tế, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Bộ Công Thương thảo luận về những thành công và thách thức của Kế hoạch Hành động Quốc Gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Cuối tháng 10, một nhóm công tác giám sát kháng thuốc được thành lập để tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong hoạt động giám sát kháng kháng sinh đối với sức khỏe con người và động vật, cộng đồng và môi trường.
“Việt Nam đang có những bước đi quan trọng để tham gia vào Hệ thống Giám sát Kháng Kháng sinh Toàn cầu của WHO. Giám sát kháng thuốc là cơ sở đánh giá gánh nặng của kháng thuốc và cung cấp thông tin cần thiết cho hành động hỗ trợ các chiến lược địa phương, quốc gia và toàn cầu”, TS. Park cho biết.
Năm 2017, Bộ NN & PTNT cũng ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 – 2020. “Quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh và kiểm soát tình trạng kháng thuốc trong một ngành phải gắn kết với việc thực thi hiệu quả những quy định và phối hợp với các ngành khác. FAO và WHO luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ nỗ lực này”, ông Bae cho biết.
Trên thế giới, nhiều bệnh nhiễm khuẩn thông thường đang ngày càng trở nên kháng với các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh đó, việc này dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài hơn và tử vong nhiều hơn. Các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi cũng như HIV, bệnh lao và sốt rét ngày càng trở nên không điều trị được do tình trạng kháng thuốc. Việt Nam là một trong các nước trong những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức và sử dung không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế, trong nuôi thủy sản và chăn nuôi và trong công chúng. Là một phần của chiến dịch truyền thông nhằm chấm dứt sử dụng kháng sinh không đúng TS. Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đã phát động chiến dịch huy động một triệu chữ kí cam kết để chấm dứt kháng kháng sinh. Hãy đăng nhập vào đường dẫn http://pledge.antibioticawarenessweek.org/ để ký cam kết. Bằng cách tham gia cam kết chấm dứt sử dụng kháng sinh không đúng cách và bạn sẽ nhận được các thông tin về những hành động cần làm để phòng chống kháng thuốc. |