📞

Phong trào Không liên kết: Thăng trầm & phát triển

10:30 | 11/07/2009
Với chủ đề Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và phát triển, Hội nghị Cấp cao lần thứ 15 Phong trào Không liên kết diễn ra tại Sharm El Sheikh (Ai Cập) từ ngày 15-16/7. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Lễ đón Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Phu nhân tại Sân bay quốc tế José Marti sang dự HNCC lần thứ 14 Phong trào KLK tổ chức tại Cuba (tháng 9/2006).

Trải qua 14 Hội nghị Cấp cao, sau hơn 40 năm tồn tại, vượt qua những thăng trầm, đến nay, Phong trào không liên kết (KLK) được coi là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu nhất, là diễn đàn quan trọng để các nước KLK đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang có xu hướng quay trở lại, vai trò của các nước KLK càng được coi trọng.

Sức sống của KLK

Phong trào KLK ra đời tháng 9/1961 tại Hội nghị Belgrade (Nam Tư). Trong giai đoạn từ 1964-1969, Phong trào rơi vào khủng hoảng. Các thế lực phản động gây chiến tranh ở nhiều nơi, mâu thuẫn Xô-Trung bộc lộ gay gắt, các nước KLK chủ chốt gặp khó khăn, Phong trào không có điều kiện nhóm họp.

Sau Chiến tranh Lạnh, trong thời kỳ đầu, Phong trào đã có những khó khăn nhất định trong việc xác định lại mục tiêu cho hoạt động của mình khi thế giới không còn hai cực. Tình hình cho thấy các nước đang phát triển vẫn đứng trước nguy cơ can thiệp và áp đặt có hại cho độc lập chủ quyền và quyền lợi của mình. Do vậy, các nước này tiếp tục có nhu cầu tham gia vào Phong trào để có một diễn đàn phối hợp với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và phát triển của mình, chống sự áp đặt của các nước lớn…

Bước vào những năm 1990, Phong trào một lần nữa rơi vào khủng hoảng khi CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã. Xin nhắc lại rằng, trong suốt những năm 1950 – 1980, đặc biệt là giai đoạn 1970-1980, phong trào được coi là “đồng minh tự nhiên” của các nước XHCN. Trước sóng gió này, tại Hội nghị cấp cao 10 (Indonesia 1992), Phong trào đã có những bước điều chỉnh nhất định nhằm thích ứng với tình hình mới. Các thành viên đều nhất trí cho rằng, Phong trào có khả năng và cần tiếp tục phát huy tiếng nói và vai trò chính trị.

Việc Phong trào liên tục có thêm thành viên mới (từ 25 thành viên ban đầu lên 118 hiện nay) đã thể hiện sức sống, sự hấp dẫn và khẳng định vai trò chính trị không thể thiếu của mình. Phong trào chiếm gần 2/3 tổng số thành viên Liên hợp quốc, 51% dân số thế giới với 3,3 tỷ dân. Phong trào cũng là nòng cốt của G77 - nhóm kinh tế của các nước đang phát triển, bởi 116 thành viên của Phong trào (trừ Belarus và Uzbekistan) là thành viên của G77, chiếm tuyệt đại đa số trong tổng số 130 thành viên của nhóm này. Hơn thế, ngày càng có nhiều nước bên ngoài Phong trào mong muốn được làm quan sát viên, khách mời chứng tỏ vị thế, tầm quan trọng của diễn đàn này.

Việt Nam và KLK

Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào KLK từ trước khi trở thành thành viên chính thức của Phong trào. Năm 1955, Việt Nam là 1 trong 29 nước tham gia Hội nghị Á-Phi ở Bandung (Indonesia), được coi là hội nghị tiền thân của Phong trào KLK. Từ năm 1970-1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm quan sát viên, rồi làm thành viên Phong trào. Năm 1976, tại Hội nghị cấp cao 5 (Sri Lanka), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào.

Từ khi tham gia, Việt Nam luôn coi trọng Phong trào KLK thể hiện bằng việc tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị Ngoại trưởng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào; nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bằng sự tham gia tích cực của mình, Việt Nam luôn là thành viên có tiếng nói và vai trò trong Phong trào. Với những thành tựu đáng kể trong công cuộc Đổi mới, Việt Nam cũng chủ trương tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển chung của các nước KLK, các nước đang phát triển.

Đoàn kết vì hòa bình và phát triển

Đứng trước những khó khăn trong việc thống nhất quan điểm, duy trì tiếng nói chung trên một số vấn đề thế giới quan tâm, các nước thành viên Phong trào KLK đã nhất trí Hội nghị lần này sẽ tập trung vào chủ đề Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và phát triển. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có bài phát biểu quan trọng về chủ đề này.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động đáng chú ý. Về chính trị, mặc dù hợp tác và cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn tiếp tục, nhưng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Obama đã quan tâm nhiều hơn tới chủ nghĩa đa phương. Khủng hoảng kinh tế tài chính đã giáng những đòn trí mạng vào nền kinh tế nhiều nước, và các nước thành viên Phong trào KLK cũng chịu nhiều tác động tiêu cực.

Tại Hội nghị, các nước thành viên sẽ đánh giá tình hình quốc tế và khu vực; các biện pháp chung ứng phó với tác động không mong muốn của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực... Hội nghị cũng sẽ đề ra kế hoạch hành động về hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội để cụ thể hóa các mục tiêu của Phong trào; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, cải tiến phương thức làm việc.

Quế Minh