Nhỏ Bình thường Lớn

Phóng xạ hạt nhân ở Nhật có đáng lo?

Những vụ nổ lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân sau động đất, sóng thần ở Nhật Bản đã gây ra những lo ngại. Dưới đây là những câu hỏi và phần trả lời:

Tình hình có nguy kịch?

Trên thang đánh giá mức nguy hại về phóng xạ hạt nhân có 7 bậc, hiện tại ở nhà máy Fukushima Daiichi được xếp ở bậc thứ 4, tức “tai nạn nguy hại cho người dân địa phương”. Cơ quan Đo lường Sự kiện Phóng xạ và Hạt nhân Quốc tế đánh giá thảm họa năm 1979 tại Three Mile Island ở Mỹ vào bậc 5, hay “tai nạn nguy hại trên diện rộng” – tương đương trận hỏa hoạn ở Windscale năm 1957. Thảm họa Chernobyl năm 1986, khi một lò phản ứng bị nổ tan và phát tán một lượng lớn phóng xạ, bị đánh giá ở mức 7, một “thảm họa lớn”.

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của thảm họa hiện nay phụ thuộc liệu các nhà chức trách Nhật Bản có thể ngăn chặn việc nổ các ống chứa nhiên liệu hạt nhân hay không. Họ đang cố giữ các thanh hạt nhân không bị tiếp xúc với không khí và không quá nóng, đó là lý do tại sao họ bơm nước biển vào.

Điều gì gây nổ?

Cho đến trưa 15/3, đã có 3 lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản bị nổ. Cả 3 lò phản ứng này đều nổ do sự tích tụ khí hydro khi người ta bơm nước biển vào và tiếp xúc với zirconium. Dù chính phủ Nhật Bản cho biết đó không phải là các vụ nổ hạt nhân, nhưng nồng độ phóng xạ trong không khí nay đã cao hơn chuẩn an toàn của Nhật Bản 8 lần.

Cuộc khủng hoảng hình thành như thế nào?

Trận động đất khiến các turbine và lò phản ứng tự động đóng. Điều này đi kèm với việc kiểm soát các thanh nhiên liệu hạt nhân để ngưng phản ứng. Tuy nhiên, nhiệt độ tiếp tục gia tăng và phải kiểm soát bằng hệ thống làm mát.

Các nhà chỉ trích trước đây đã đặt nghi vấn về hệ thống cũ kỹ 40 năm tuổi ở nhà máy Fukushima Daiichi. Giới chỉ trích từ lâu cũng cho rằng việc xây nhà máy điện hạt nhân ở những vùng có nguy cơ động đất như Nhật Bản là cực kỳ nguy hiểm. Các nhà thiết kế lò phản ứng đã chú trọng đến điều này, nhưng lại không mấy lưu tâm đến nguy cơ sóng thần theo sau động đất. Kết quả là các lò phản ứng đều chịu được động đất nhưng lại hư hại ngay khi bị sóng thần đánh ập vào. Hiện hệ thống làm mát ở Fukushima Daiichi đã bị hỏng hoàn toàn. Trong khi đó, nhà máy gần đó, Daini, cũng có 3 lò phản ứng bị mất hệ thống làm mát. 3 lò phản ứng khác ở Onagawa cũng đang bị đặt vào tình trạng nguy cơ.

Việc phục hồi hệ thống làm mát sẽ đòi hỏi phải có điện, nhưng điện hiện đang bị mất trên diện rộng, và đòi hỏi các kỹ thuật viên phải làm việc trong những khu vực có mức nhiễm phóng xạ cực cao. Các nhà vận hành nhà máy hạt nhân ở Nhật Bản hiện không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục bơm nước biển vào các lò phản ứng, sau đó xả hơi phóng xạ ra bên ngoài để làm lạnh các lò phản ứng. Điều đó có thể kéo dài trong 1 năm hoặc thậm chí sau khi quá trình phân hạt nhân ngừng hẳn. Điều đó có nghĩa hàng trăm nghìn người đã bị sơ tán có thể không thể quay lại nhà mình trong một thời gian dài, và gió có thể tiếp tục phát tán phóng xạ đi xa.

Có nguy cơ lặp lại thảm hỏa Chernobyl?

Cho đến nay, không ai có thể đưa ra kết luận. Nguy hiểm lớn nhất là các thanh nhiên liệu hạt nhân có thể bị phơi ra không khí. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể bị nóng chảy và tạo ra một sự tan chảy hạt nhân, dù nhà chuyên môn không tin điều đó có thể xảy ra.

Thiết kế của nhà máy hạt nhân Chernobyl khác xa so với những lò phản ứng tại các nhà máy ở Fukushima hiện nay. Nhà máy của Liên Xô lúc đó áp dụng những biện pháp an toàn cũ kỹ kém xa so với các nhà máy ở Nhật Bản ngày nay. Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu Nhật Bản có tiếp tục cố gắng hết sức để duy trì tình trạng hiện nay hay không. Chỉ cần hơi sơ sảy là việc tan chảy hạt nhân có thể xảy ra, và lúc đó thảm họa có thể khó ngăn chặn.

Thảm họa tác động lâu dài như thế nào?

Cho đến nay người ta đã phát hiện một lượng nhỏ phóng xạ phát tán vào môi trường. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết các máy bay trực thăng bay cách nhà máy 60 dặm (95,5km) đã thu thập được một lượng nhỏ các phân tử phóng xạ, có thể là cesium-137 và iodine-121. Điều dó cho thấy phạm vi bị nhiễm phóng xạ có thể rất rộng. Trước đó một ngày, Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp cảnh báo, gió tự nhiên có thể sẽ thổi chất bẩn phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản ra khắp Thái Bình Dương.

Đã có người nào bị nhiễm phóng xạ trong tai nạn hiện nay chưa?

Theo thống kê, đến 15/3 đã có trên 200.000 người 20km xung quanh nhà máy Daiichi đã phải di tản. Xét nghiệm cho thấy có ít nhất 60 người bị nhiễm phóng xạ, 100 người khác bị nghi nhiễm phóng xạ

Phóng xạ hạt nhân nguy hiểm như thế nào?

Phóng xạ hạt nhân iot có thể gây ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, người ta có thể dùng viên Kali Iot để giúp ngăn chặn ung thư tuyến giáp.

A.K (Tổng hợp)