Là địa phương thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ của các tỉnh Tây Bắc, vùng đất di sản văn hóa; hoạt động đối ngoại của tỉnh Phú Thọ khá sôi động. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã thiết lập và duy trì quan hệ hữu nghị hợp tác cấp địa phương với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Lào; đồng thời đang tích cực nghiên cứu mở rộng quan hệ hợp tác với một số đối tác châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Thực hiện Quyết định số 247/QĐ-TTg ngày 16/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch 1348/KH-UBND ngày 13/4/2016 nhằm trang bị, nâng cao kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ, năng lực quản lý, kỹ năng điều hành và thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngoại vụ chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo năng lực thi hành công vụ.
Đoàn cán bộ tỉnh Phú Thọ thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tháng 4/2018. |
Hàng năm, Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại hiện có, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng chức danh, vị trí việc làm gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của tỉnh Phú Thọ về cơ bản được quan tâm đào tạo toàn diện từ trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý và các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành...
Trong 2 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã cử trên 300 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức. Bên cạnh đó, UBND Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Ngoại vụ phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức 6 lớp đào tạo cho trên 500 lượt cán bộ làm công tác đối ngoại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh khu vực phía Bắc, cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế, nghiệp vụ tổ chức đoàn ra, đoàn vào, quản lý lãnh sự, lễ tân đối ngoại, thông tin đối ngoại, ngoại ngữ biên phiên dịch, nghiệp vụ công tác phi chính phủ nước ngoài...
So với thời gian trước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại của Tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng; góp phần giúp cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn ngoại ngữ chuyên sâu còn hạn chế. Cơ quan Ngoại vụ và các cơ quan thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài chỉ có cán bộ được đào tạo về tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, còn thiếu nhiều ngoại ngữ quan trọng khác như Lào, Hàn Quốc, Pháp,...
Trong xu thế tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế như hiện nay, tỉnh Phú Thọ chú trọng thu hút nhân tài, đồng thời tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đối với chuyên môn ngoại ngữ chuyên sâu.
Đặt “đơn hàng cụ thể” về đào tạo nhân lực
Hội nhập quốc tế đã và đang bước vào giai đoạn quan trọng với việc Việt Nam thực hiện ngày càng đầy đủ các cam kết quốc tế; để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực thi hành công vụ, tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, với chủ đề “Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”, tỉnh Phú Thọ đã “đặt hàng” cụ thể với Bộ Ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ trong công tác đào tạo con người.
Đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Xây dựng tiêu chí để đánh giá chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, như đánh giá: mức độ phù hợp giữa nội dung chương trình và tiêu chuẩn ngạch, bậc; chức vụ lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm; năng lực của đội ngũ giảng viên; việc tiếp thu và vận dụng kiến thức của người học vào thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao,... để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đề nghị Cục Ngoại vụ, Học viện Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiến tới đảm bảo nội dung đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tế, thực sự xuất phát từ nhu cầu địa phương; khoa học về dung lượng và thời gian đào tạo; hợp lý về khoảng cách giữa địa điểm đào tạo với các địa phương; tránh đào tạo dàn trải, trùng lắp, tập trung bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực, nhẹ về lý thuyết, chuyên sâu về thực hành kỹ năng, nhất là các kỹ năng mềm.
Đề nghị các các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ giúp đỡ Bộ Ngoại giao, các địa phương nguồn tài trợ học bổng, kinh phí đào tạo; hỗ trợ các địa phương trong việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại như: du học, du học tại chỗ, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.