Ông Trần Giang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ thông tin với Đoàn báo chí nước ngoài về môi trường đầu tư của tỉnh Phú Thọ. |
Đầu tư nước ngoài vào Phú Thọ thời gian qua đã có những bước chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Phú Thọ là vùng đất giàu tiềm năng, có các điều kiện thuận lợi, đặc biệt là vị trí địa lý, hệ thống giao thông liên vùng kết nối với các địa phương khác trong cả nước, quỹ đất dồi dào... Bên cạnh đó, Phú Thọ còn là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển từ rất sớm, như sản xuất phân bón, hóa chất, dệt may...
Các bạn có thể liên tưởng tới các thương hiệu lâu đời của địa phương như Nhà máy hóa chất Việt Trì, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Dệt Việt Trì... Do vậy, ngay từ những năm 1990, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, plastic, chế biến chè xuất khẩu...
Từ năm 2010 trở lại đây, đặc biệt sau thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19 và xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài do những tác động nhất định của xung đột thương mại Mỹ- Trung Quốc, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Phú Thọ đã có những bước bứt phá ngoạn mục.
Ông có thể chia sẻ những thông tin mới nhất về tình hình đầu tư nước ngoài của tỉnh?
Theo thống kê của chúng tôi, đến 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 218 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mã số thuế đang hoạt động, với 191 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư 2.885 tỷ USD.
Trong đó, các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Hàn Quốc với 130 doanh nghiệp, Trung Quốc với 27 doanh nghiệp, Nhật Bản 9 doanh nghiệp, Singapore 4 doanh nghiệp và các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Ấn Độ... Trong số này, có 93 dự án tập trung trong các khu công nghiệp, còn lại phân bổ trong các khu công nghệ cao và các khu vực được quy hoạch sản xuất.
Các dự án FDI lớn trong địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các ngành nghề tiêu biểu của Phú Thọ như chế biến, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện tử, năng lượng tái tạo, dệt may thời trang cao cấp.
Trong đó, có các dự án tiêu biểu như Dự án sản xuất điện tử của Công ty BYD (Trung Quốc) với số vốn đầu tư 269 triệu USD; Dự án sản xuất tấm Cell pin năng lượng mặt trời của Công ty VSUN (Nhật Bản) 200 triệu USD; Dự án sản xuất lốp xe INOUE (Nhật Bản) trị giá 90 triệu USD; Dự án Nhà máy may thời trang cao cấp Yida gần 113 triệu USD; Dự án dệt Regent Việt Nam 180 triệu USD; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện 90 triệu USD...
Chủ tịch Công ty JNTC 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, ông Myunghwan Kim (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu với đoàn báo chí nước ngoài về dây chuyền sản xuất mới được đưa vào vận hành. |
Việc nhiều nhà đầu tư dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng về Việt Nam đang tạo ra cơ hội và thách thức gì cho địa phương?
Nắm bắt kịp thời xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã nhận diện các cơ hội cũng như xác định rõ những thách thức do sự thay đổi này mang lại.
Tỉnh chủ động nắm bắt được xu hướng sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh, đây là cơ hội rất thuận lợi để thu hút và thực hiện các dự án lớn nhằm tăng tốc độ phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, thông qua các dự án đầu tư FDI, làm ăn hiệu quả của doanh nghiệp tại địa bàn, sẽ góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa, và thu nhập bình quân đầu người trong địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng xác định rõ các thách thức như cạnh tranh nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, các yêu cầu về chất lượng dịch vụ tăng cao, hạ tầng đồng bộ... Lãnh đạo tỉnh cũng ý thức được sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố về thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh, trật tự xã hội tại địa bàn.
Phú Thọ đã làm gì để tận dụng tối đa những lợi ích từ sự dịch chuyển này, thưa ông?
Ngay từ đầu, lãnh đạo Tỉnh và các ban ngành liên quan trong tỉnh đã xác định chủ trương là phải tận dụng tốt nhất các cơ hội từ quá trình chuyển dịch, từ đó xây dựng các quan điểm, định hướng lớn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là phải thực hiện được khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng vào các trọng tâm như đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao...
Hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã và đang đầu tư 4/7 khu công nghiệp, 26/28 khu công nghệ cao với quy mô khoảng 4.000 ha với hệ thống giao thông kết nối hạ tầng động bộ. Đảng đã vạch ra kế hoạch dài hơi đến năm 2030 quy hoạch 12 khu công nghệ và trên 40 khu công nghệ cao với diện tích khoảng 7.600 ha.
Ông Dư Văn Quảng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ trao đổi với Đoàn báo chí nước ngoài thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư và hợp tác quốc tế của Phú Thọ. |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện, giao chỉ tiêu đào tạo theo mã các ngành cụ thể cho các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm chuẩn bị đủ nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao theo các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đâu tư.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ phụ trợ để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia yên tâm lựa chọn sống và làm việc tại tỉnh. Tỉnh cũng triển khai phát triển các dịch vụ tài chính-ngân hàng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, logistics để giúp các doanh nghiệp FDI dễ tiếp cận nhất, giảm chi phí sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Phú Thọ cam kết mạnh mẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện dự án đầu tư trên tinh thần “thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh” gắn phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ...”.
Tỉnh Phú Thọ đã làm gì để gia tăng thu hút và gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư mới, trong những lĩnh vực mới vào tỉnh nhà?
Những việc mà chính quyền tỉnh Phú Thọ đã và đang làm để hiện thực hóa chủ trương này của tỉnh thì có nhiều, nhưng tựu trung tập trung vào các việc cụ thể như thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các bước thủ tục đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Ngoài các chủ trương, định hướng chính sách, lãnh đạo tỉnh cũng chủ trương tổ chức các buổi đối thoại, tiếp xúc định kỳ giữ các cơ quan liên quan của tỉnh với nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh cũng trực tiếp có các buổi làm việc, tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư mỗi tháng một lần.
Đoàn báo chí ngước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức thăm và làm việc với Lãnh đạo huyện Thanh Thủy, nơi thu hút các dự án đầu tư lớn của Nhật Bản. |
Ngoài ra, tỉnh chủ trương thực hiện rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo thời gian nhanh nhất theo quy trình rút gọn, cam kết thực hiện đầy đủ công việc công bố Danh mục thủ tục hành chính cấp tỉnh thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh có kế hoạch cụ thể để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số cải cách hành chính để khẳng định niềm tin, sự hài lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nhiệp...
Chính quyền tỉnh đã có những cải thiện gì về cơ sở hạ tầng cũng như thời gian giải quyết các thủ tục để có thể thu hút các nhà đầu tư, thưa ông?
Hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã và đang đầu tư các khu hạ tầng các khu công nghiệp, công nghệ cao với 4/7 khu công nghiệp, 28/28 khu công nghệ cao với quy mô khoảng 4.000 ha cùng với hệ thống giao thông kết nối hạ tầng đồng bộ như điện, nước, công nghệ thông tin...
Lãnh đạo Trường Đại học Hùng Vương giới thiệu với đoàn báo chí nước ngoài về chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập tại Trường, phù hợp với chủ trương đào tạo nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương của tỉnh. |
Tỉnh có chủ trương đến năm 2030 quy hoạch được 12 khu công nghiệp và trên 40 khu công nghệ cao với diện tích khoảng 7.600 ha. Hiện nay, hệ thống giao thông trong tỉnh được cải thiện đáng kể với việc đầu tư mới, nâng cấp nhiều tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên vùng, đường cao tốc kết nối các khu công nghiệp, công nghệ cao, vùng nguyên liệu với các tuyến đường giao thông quốc gia và các tỉnh lân cận tạo thành mạng lưới đường bộ khá rộng khắp trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái...
Việc đầu tư hạ tầng đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị trung tâm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ gắn với xây dựng huyện nông thôn mới được quan tâm đầu tư đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững từng bước được tập trung thực hiện theo quy hoạch. Tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về các dịch vụ kèm theo như du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, khám chữa bệnh...để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tại địa phương.
Đoàn báo chí nước ngoài đến thăm Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy, một dự án nghỉ dưỡng tiêu biểu tại Phú Thọ. |
Về các biện pháp cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký các quyết định phê duyệt trình tự và danh mục một số thủ tục hành chính thực hiện cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với quy định về giải quyết thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đối với các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, công thương, phòng cháy chữa cháy...
Tỉnh cũng công khai số điện thoại, lập đường dây nóng, công khai các trình tự thủ tục về đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các Sở, ban ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành thị...
Xin trân trọng cảm ơn ông!