📞

Phục hồi nhanh sau “cửa ải” phẫu thuật

15:02 | 12/11/2015
Với bệnh nhân vừa trải qua cuộc phẫu thuật, dù đơn giản hay phức tạp, việc có một chế độ ăn khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe và làm lành vết mổ.
Người bệnh cần có chế độ ăn khoa học sau khi phẫu thuật. (Ảnh minh họa)

 

Trên thực tế, nhiều người bệnh tuy đã vượt qua "cửa ải" phẫu thuật nhưng do áp dụng chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý khiến cho vết mổ bị biến chứng, việc hồi phục gặp khó khăn. Chế độ ăn sau phẫu thuật vì vậy cần lưu ý những yếu tố sau:

Thực phẩm thô, nguyên chất

Theo Trung tâm Dinh dưỡng và Thực phẩm khoa học (CNAFS) tại Đại học Queensland (Australia), bệnh nhân sau phẫu thuật nên bổ sung thực phẩm thô thay cho thực phẩm tinh lọc vì chúng thường chứa nhiều chất xơ, sinh tố và chất khoáng, cần thiết cho nhu cầu chuyển hóa chất và tiêu hóa thức ăn. Thực phẩm nguyên chất còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa táo bón, một biểu hiện thường gặp sau phẫu thuật.

Ví dụ, người bệnh nên ăn cà chua sống thay vì xào nấu, khoai tây hấp thay vì rán. Nên ăn các loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe như bánh mì sẫm màu, gạo lứt, các loại đậu và một số hạt có chất béo như mè, hạt điều, hạt bí còn nguyên lớp màng ngoài của hạt…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thực phẩm thô nên là giải pháp chính trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân sau phẫu thuật, đặc biệt là với những người bị đau hoặc loét dạ dày vì thành phần thô trong thực phẩm nguyên chất được cho là có nhiều chất chống oxy hóa quan trọng, giúp bảo vệ lớp màng tế bào ở thành trong dạ dày.

Tăng cường protein

Để nhanh lành vết mổ, điều quan trọng là bệnh nhân phải ăn uống đầy đủ chất đạm (protein) - thành phần chính trong các tế bào bạch cầu, chịu trách nhiệm xây dựng tế bào máu trắng và globulin miễn dịch, có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn. Vì vậy, protein rất cần thiết để đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng và các loại bệnh. Đây cũng là dưỡng chất cần thiết cho sự hình thành kháng thể.

Thành phần đạm có nhiều trong các loại thịt nạc như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng gà/ vịt, chim cút và các loại hải sản như cá, tôm, cua... Nếu bệnh nhân không ăn thịt có thể dùng các thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật như đậu phụ, đậu nành…

Ăn nhuyễn, giàu chất xơ

Do tác dụng phụ của quá trình điều trị, bệnh nhân sau phẫu thuật thường cảm thấy buồn nôn, biếng ăn, thay đổi khẩu vị… Thậm chí, nhiều người còn mắc chứng trầm cảm, thường xuyên gặp phải nỗi sợ hãi mơ hồ, khiến họ càng cảm thấy chán ăn.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân có thể dùng các loại thực phẩm dạng mịn như nước ép rau, hoa quả tươi xay nhuyễn hoặc súp rau đậm đà hơn với nhiều gia vị.

Nước ép củ cải đường, táo, cà rốt và chanh có thể cung cấp chất sắt và làm tăng khối lượng máu trong cơ thể sau khi mổ. Bên cạnh đó, trái cây và rau quả tươi còn chứa chất dinh dưỡng và chất xơ, cần thiết giúp lành vết mổ. Rau xanh các loại, đặc biệt là rau ngót, các loại quả cam, bưởi, chanh, dâu tây… rất giàu vitamin C cũng là chất chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Các nghiên cứu từng chỉ ra rằng, nếu tiêu thụ 1.000 mg vitamin C trong vòng một tuần sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể, rút ngắn thời gian phục hồi.

Bệnh nhân cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều beta-caroten như cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang, bí đỏ... Beta caroten là tiền chất của vitamin A, làm lành mạnh hóa hệ miễn dịch, rất quan trọng cho việc hình thành mô sẹo.

Bổ sung sản phẩm từ sữa

Các chuyên gia dinh dưỡng tin rằng, sữa là một nguồn protein tuyệt vời, cần thiết để phục hồi sau khi phẫu thuật. Mặc dù, tiêu thụ sản phẩm từ sữa có thể dẫn đến tình trạng táo bón sau phẫu thuật song vẫn có cách khắc phục. Đó là dùng các sản phẩm sữa ít béo, pho mát hay sữa chua đã được tách kem.

Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng tiết dịch trong phổi. Bệnh nhân bị ho nên hạn chế dùng các sản phẩm từ sữa.

Hồng Giang (tổng hợp)