Bằng các lệnh cấm vận dầu mỏ, dường như phương Tây đang muốn phá hủy nền kinh tế Nga? (Nguồn: Theloadstar) |
“Lỗ hổng” xuất hiện khi lệnh cấm nhập khẩu “vàng đen” từ Nga khiến dầu tăng giá, trong khi Điện Kremlin vẫn có thể tìm được khách mua hàng bên ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu như áp dụng trừng phạt theo kiểu khác.
Xu thế tất yếu, Nga đã tìm được khách hàng 'thân thiện"
Thứ nhất, không phải tất cả các nước châu Âu đều tán thành lệnh cấm, cụ thể là Hungary và Slovakia. Lý do được cho là hai nước này đều nằm sâu trong đất liền không có lối ra biển, họ sẽ khó lòng tìm được nguồn cung cấp thay thế.
Thêm vào đó, nếu cho rằng các lệnh cấm vận sẽ giúp chặn dòng cung cấp tài chính cho hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine thì thật là ảo tưởng.
Trên thực tế, cùng với việc tung đòn trả đũa đối với các "khách hàng không thân thiện", Điện Kremlin cũng nhanh chóng tìm thấy những khách hàng mới ở bên ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Bây giờ, giả sử phương Tây có thể gây áp lực và buộc những nước này tham gia biện pháp trừng phạt, thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Ivan Timonin, chuyên gia tư vấn tại Vygon Consulting, cho biết khí đốt của Nga cho châu Âu có thể chuyển hướng hoàn toàn sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng điều này đòi hỏi sự phát triển của cơ sở hạ tầng xuất khẩu.
Chuyên gia này nhận định: “Về khả năng, khối lượng hàng xuất khẩu của Nga hiện đang chảy sang châu Âu có thể được chuyển hướng toàn bộ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng điều này sẽ đòi hỏi sự phát triển tích cực của cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Cụ thể, việc xây dựng các đường ống dẫn khí và nhà máy LNG mới, cũng sẽ mất thời gian”.
Đặc biệt, nhà phân tích này cho biết thêm, việc định hướng lại sang châu Á không chỉ do người tiêu dùng châu Âu muốn từ bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga mà còn do các yếu tố thị trường.
Chiến lược gia đầu tư của công ty quản lý Arikacapital Sergey Suverov nhận định: “Chúng tôi cho rằng, phần lớn dầu sẽ được chuyển hướng sang các nước châu Á. Đồng thời trên thị trường dầu mỏ sẽ có sự mất cân bằng lớn, nhiều khả năng khiến giá nguyên liệu sẽ tăng cao”.
Chuyên gia Sergey Suverov dự đoán, các sơ đồ “xám” cho việc cung cấp dầu mỏ từ Nga vẫn sẽ tiếp tục và sẽ vẫn duy trì một số khả năng mua dầu từ Nga, mặc dù phần lớn vẫn sẽ bị cắt bỏ vì châu Âu tuân thủ khá nghiêm ngặt luật trừng phạt.
Theo ước tính, đến năm 2025, hơn một nửa mức tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ đến từ các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tổng cộng, tiêu thụ khí đốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng khoảng 160 tỷ m3 vào năm 2025 so với mức hiện tại.
Việc tích cực xây dựng đường ống “Sức mạnh Siberia” đã mất 5 năm và các nhà máy hóa lỏng khí công suất lớn cũng cần thời gian xây dựng tương tự. Chuyên gia Ivan Timonin nhận định: “Vì vậy, để duy trì lượng hàng xuất khẩu của Nga, cần phải đối phó với việc phát triển các dự án mới và thông qua các quyết định đầu tư ngay hôm nay”.
Hiệu ứng ngược của lệnh trừng phạt
Giờ đây, khí đốt của Nga được cung cấp cho Trung Quốc thông qua đường ống “Sức mạnh Siberia”. Việc giao hàng bằng đường ống này bắt đầu vào cuối năm 2019 và vào năm 2020 lên tới 4,1 tỷ m3.
Dự kiến Nga sẽ tăng khối lượng giao hàng hàng năm cho đến khi đạt công suất thiết kế 38 tỷ m3 vào năm 2025. Ngoài ra, dự án “Sức mạnh Siberia 2” đang được thực hiện, liên quan đến việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đến Trung Quốc qua lãnh thổ Mông Cổ với công suất 50 tỷ m3 mỗi năm.
Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế châu Âu, cho biết, EU có kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga sau 9 tháng. Ông nói: “Liên minh châu Âu đã đưa ra một quyết định chính trị trong việc từ bỏ dầu của Nga. Đối với một số quốc gia, bao gồm Hungary, Slovakia và có thể là CH. Czech, sẽ có ngoại lệ, họ sẽ có thể mua dầu của Nga trong dài hạn”.
Tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế EU, nhưng cũng gây khó khăn cho nền kinh tế Nga bởi nước này sẽ phải tìm kiếm các tuyến đường hậu cần khác. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng chi phí cung cấp.
Ở châu Âu, điều này sẽ được thể hiện bằng sự gia tăng giá các mặt hàng năng lượng, cho nên hậu quả về mặt xã hội sẽ khá rõ rệt.
Đối với Nga, quyết định của EU có nghĩa là Moscow sẽ mất một số khoản thu ngân sách, một số thiệt hại cho các công ty dầu mỏ, chuyên gia Paolo Gentiloni nhận định.
Trong bối cảnh đó, thay vì tăng cường các biện pháp trừng phạt, để thu hẹp khả năng tài chính của Nga trong triển vọng dài hạn, các chuyên gia cho rằng, châu Âu cần phải tự mình khai thác nhiều hơn và tiêu dùng ít hơn.
Theo đó, thay vì cấm nhập khẩu, việc áp dụng thuế trừng phạt sẽ hiệu quả hơn. Tình hình với Iran cũng cho thấy rằng cấm vận hiếm khi giúp đạt được mục tiêu chính trị.
Hơn nữa, lệnh cấm nhập khẩu “vàng đen” từ Nga thậm chí có thể mang lại lợi ích cho Điện Kremlin, vì sẽ làm tăng giá dầu. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga trang trải chi phí khai thác “vàng đen” ở mức giá 15 USD một thùng. Bây giờ giá đã vọt lên trên ngưỡng 100 USD/thùng, mặc dù vào thời điểm hiện tại Nga buộc phải bán tài nguyên dưới mức giá thị trường vì không dễ tìm được khách mua.
Bên cạnh đó, cũng có nguy cơ để đáp trả lệnh cấm vận, ông Vladimir Putin sẽ khóa van khí đốt sang châu Âu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, các mỏ và kho lưu trữ dầu cũng sẽ thiệt hại nhiều từ động tác khóa van như vậy.
| Giáo sư Nhật Bản: Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố gắng lôi kéo ASEAN về phía mình Giáo sư Mie Oba, chuyên gia về chính trị châu Á của Đại học Kanagawa (Nhật Bản), nhận định, cạnh tranh chiến lược gia tăng ... |
| JETRO Hà Nội: Hợp tác không giới hạn, Việt Nam-Nhật Bản cùng thúc đẩy xu hướng kinh doanh mới Phát biểu trong chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày (30/4 và 1/5), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng, khả năng ... |