📞

Qatar bất ngờ tuyên bố bán khí đốt cho Đức, Nga muốn cùng Kazakhstan và Uzbekistan thành lập 'liên minh khí đốt'

Việt An 17:28 | 29/11/2022
Theo báo Bild của Đức, ngày 29/11, Bộ Năng lượng Qatar bất ngờ thông báo nước này đã đạt được thoả thuận cung cấp khí đốt với Đức.
Qatar đã đồng ý thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn với Đức. (Nguồn: Shutterstock)

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh cả Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tiến hành đàm phán về một thỏa thuận khí đốt với Qatar trong những tháng gần đây, song dường như không đạt tiến bộ.

Báo trên dẫn nguồn tin cho biết, với thoả thuận đạt được, Qatar sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt tối đa 2 triệu tấn/năm cho Đức từ năm 2026 và thương vụ được cho kéo dài trong 15 năm.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi cho biết, Qatar có "nghĩa vụ đối với người dân Đức" và có "mối quan hệ tuyệt vời với chính phủ Đức".

Tuy nhiên, Qatar sẽ không bán khí đốt trực tiếp cho Đức mà sẽ thông qua đơn vị trung gian là Công ty năng lượng Mỹ ConocoPhillips.

Trước đó, hôm 21/11, Qatar Energy và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận mua bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kéo dài 27 năm. Đây được đánh giá là thương vụ dài nhất trong lịch sử.

Theo hợp đồng trị giá 60 tỷ USD, công ty năng lượng Qatar sẽ cung cấp LNG cho Sinopec của Trung Quốc đến năm 2050.

Cùng ngày, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, nước này đang thảo luận về khả năng thiết lập "một liên minh khí đốt" với Kazakhstan và Uzbekistan để hỗ trợ hoạt động vận chuyển mặt hàng này giữa 3 nước cũng như xuất khẩu sang các nước khác có nhu cầu, trong đó có Trung Quốc.

Người phát ngôn của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng ngày thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất ý tưởng trên trong cuộc gặp với ông Tokayev trước đó một ngày, song không nêu thêm chi tiết.

Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn kinh doanh năng lượng Nga-Trung lần thứ 4, ông Novak nhấn mạnh, Moscow và Bắc Kinh có ý định tham gia dự án phát triển thiết bị dầu khí có thể được sử dụng ở cả hai nước này.

(theo AP, Reuters, Sputniknews)