📞

Qatar kiếm tiền từ World Cup 2022 - có hay không?

Linh Chi 10:34 | 18/11/2022
World Cup là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Năm nay, dự kiến có hơn năm tỷ người sẽ theo dõi với nhiều hình thức và hơn một triệu người đến xem trực tiếp những trận đấu ngoạn mục ở Qatar.

Từ việc bán vé, hoạt động xu lịch, tham quan... đến tài trợ của các công ty, tiền thưởng... có rất nhiều cách để kiếm tiền xoay quanh một sự kiện lớn như thế.

Nhưng, đối với một nước chủ nhà, điều đó xứng đáng về mặt tài chính không? Câu trả lời ngắn gọn là không.

Không khí World Cup 2022 sôi động đã tràn ngập tại Qatar. (Ảnh AFP)

Hầu hết các quốc gia tổ chức World Cup đều chi hàng chục tỷ USD cho việc chuẩn bị, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khách sạn... Phần lớn trong số đó thường không được thu hồi lại, ít nhất là không bằng tiền mặt.

Năm 2018, bản quyền truyền hình của World Cup tại Nga đã được bán cho các đài truyền hình trên khắp thế giới với giá 4,6 tỷ USD. Nhưng FIFA - cơ quan quản lý bóng đá thế giới là đầu mối làm điều này.

Doanh thu bán vé cũng vậy, thuộc sở hữu của một công ty con của FIFA. Quyền tiếp thị - mang lại hơn 1 tỷ USD trong muà World Cup 2018 cũng được FIFA giữ. Theo thống kê, chỉ riêng vòng chung kết World Cup tổ chức tại Nga vào năm 2018, FIFA thu về 4,6 tỷ USD (hơn 114.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, cơ quan này sẽ trang trải các chi phí chính để tổ chức giải đấu. Cụ thể, năm nay, họ sẽ trả cho Qatar 1,7 tỷ USD, trong đó bao gồm giải thưởng 440 triệu USD cho các đội.

Nhưng Qatar được cho là đã chi hơn 200 tỷ USD cho World Cup 2022. Cơ sở hạ tầng, khách sạn, cơ sở giải trí, mạng lưới đường bộ và hệ thống đường sắt đã được đại tu toàn bộ.

Với hơn một triệu du khách nước ngoài dự kiến sẽ đến quốc gia này để ​​hòa mình cùng giải đấu kéo dài một tháng, nước chủ nhà sẽ chứng kiến ​​lượng khách du lịch tăng đột biến, doanh thu của các khách sạn, nhà hàng... sẽ tăng vọt.

Nhưng sự gia tăng đột biến như vậy cũng đòi hỏi quốc gia Trung Đông này phải xây dựng thêm khách sạn, nhà hàng... và chi phí cho việc này thường lớn hơn nhiều so với doanh thu tạo ra trong ngắn hạn.

Vậy ai sẽ được hưởng lợi?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo: “Giá khách sạn tăng nhưng tiền lương của những người làm dịch vụ không nhất thiết sẽ tăng theo".

Hơn nữa, khách du lịch đến xem World Cup sẽ mua hàng hóa, đồ uống hoặc bất kỳ thứ gì khác từ các thương hiệu đối tác của FIFA sẽ không đóng góp vào nguồn thu thuế của nước chủ nhà.

Các thương hiệu toàn cầu trả tiền cho FIFA để quảng cáo tại các sự kiện do FIFA tổ chức, trong đó bao gồm World Cup. Đây là sự kiện được nhiều người theo dõi nhất hành tinh, ước tính có hơn một nửa số người trên thế giới xem World Cup.

Tại World Cup 2018, các thỏa thuận liên quan đến quyền tiếp thị mang về cho FIFA 1,66 tỷ USD (hơn 41.000 tỷ đồng). Còn về tiền bán vé, trong khoảng thời gian từ năm 2015-2018, FIFA thu được 712 triệu USD (hơn 17.600 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, thông thường, khách du lịch có xu hướng tránh xa nước chủ nhà trong thời gian diễn ra World Cup vì muốn tránh đám đông và giá cả tăng cao. Nhưng tại Qatar, nếu không có vé xem bóng, bạn không thể nhập cảnh vào quốc gia này từ ngày 1/11 đến khi kết thúc World Cup.

Ít nhất là trong ngắn hạn, việc tổ chức một kỳ World Cup bóng đá không có ý nghĩa về mặt tài chính. Tuy nhiên, có một số thứ lớn hơn tiền.

Tờ Al Jazeera nhận định, đăng cai World Cup là một "bài tập thể hiện quyền lực mềm". Sự kiện thể thao lớn này mang đến cho thế giới một cửa sổ vào đất nước chủ nhà.

Về dài hạn, số tiền chi cho việc tổ chức, nếu được quản lý đúng cách, sẽ giúp mở rộng nền kinh tế của quốc gia đó.

Những con đường mới, các dự án giao thông được cải thiện sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong nhiều năm sau, khi tiếng còi mãn cuộc của World Cup được thổi.

Các sự kiện thể thao quốc tế lớn sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách xã hội và đưa mọi người đến với nhau xuyên biên giới. Những sự kiện này cũng khuyến khích trẻ em tham gia thể thao và mang lại lợi ích kinh tế cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia sở tại trong tương lai.

Đối với một nước chủ nhà, World Cup là niềm tự hào, hơn là kiếm tiền.

Đăng cai tổ chức World Cup tức đó là một quốc gia mở rộng vòng tay, mở rộng "ngôi nhà" của mình và nói với thế giới: "Bạn được chào đón ở đây!"

(theo Al Jazeera)