Tuyên bố này được cho là nhằm vào các công dân Ai Cập, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh tiếp diễn.
Phát biểu tại sự kiện quảng bá chiến dịch du lịch mùa Hè, ông Baker cho biết Qatar sẽ không cho phép người Ai Cập nhập cảnh vào nước này để tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch. Theo ông Baker, phía Ai Cập không cấp thị thực cho công dân Qatar, do đó không có lý do gì để Doha cấp thị thực cho công dân Ai Cập.
Một góc Qatar, nước nằm trên bán đảo nhỏ với biên giới trên bộ duy nhất là với Saudi Arabia. (Ảnh: AP) |
Đây là phát biểu đầu tiên của một quan chức Qatar kể từ khi căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát năm 2017. Bốn nước Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ các phần tử cực đoan và tài trợ cho khủng bố. Qatar đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này và coi động thái của 4 nước trên là hành vi can thiệp vào đường lối ngoại giao độc lập của Doha.
Chính phủ 3 nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã yêu cầu công dân các nước này đang sinh sống và làm việc tại Qatar hồi hương, trong khi nhiều người Ai Cập vẫn lưu lại Qatar và chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động ở nước này.
Tuyên bố trên của ông Baker được cho là ám chỉ Qatar sẽ không cấp thị thực cho người Ai Cập nữa. Tuy nhiên, phía Qatar chưa tuyên bố sẽ trục xuất những người Ai Cập hiện đang cư trú ở nước này.
Qatar có dân số khoảng 2,7 triệu người, song chỉ hơn 300.000 người mang quốc tịch Qatar. Báo cáo do một hãng tư vấn công bố năm 2017 ước tính có khoảng 200.000 người Ai Cập cư trú tại Qatar.