Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu xem mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. (Nguồn: TTXVN) |
Nếu Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang chuẩn bị khởi công được kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới; Thì sự kiện VIIE 2021 và khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là một bước ngoặt lớn, và là thành quả của một chuỗi những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Giới thiệu tại Họp báo thông tin về sự kiện đặc biệt này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Duy Đông cho biết, đây là triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Triển lãm nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Sự kiện sẽ diễn ra với dày đặc hoạt động hội thảo, tọa đàm về các vấn đề Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030; Người tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên 4.0; Kinh doanh thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số; và đặc biệt là Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất tăng trưởng kinh tế…
Với hơn 150 gian hàng, Triển lãm đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 cũng là nơi hội tụ của các thương hiệu hàng đầu trong nước như Viettel, Vingroup, MoMo, CMC, các "ông lớn" nước ngoài như Samsung, Hyosung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens cùng cộng đồng startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, triển lãm cũng có sự tham gia của các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn như Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ...
Với sự tham gia của hàng chục quỹ đầu tư và nhiều doanh nghiệp lớn, triển lãm sẽ tổ chức các hoạt động kết nối giữa startups, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn; kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối, hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, sự kiện còn có sự xuất hiện của các hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong khuôn khổ chương trình "Vì sự phát triển cộng đồng".
Điều thú vị là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nơi sẽ xây dựng NIC, làm địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này. Không phải chỉ vì trong khuôn khổ VIIE 2021, NIC cũng sẽ được khởi công xây dựng, mà quan trọng không kém, là tại đó, các công nghệ đột phá cũng sẽ được giới thiệu, trình diễn. Một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng lớn của Việt Nam và thế giới sẽ hội tụ ở Hòa Lạc, đúng như mong muốn của Chính phủ Việt Nam khi quyết định thành lập NIC vào đầu tháng 10 năm ngoái: đưa NIC trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ ấn tượng dự kiến được giới thiệu tại Triển lãm, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như nhà máy thông minh (tay máy trợ lực hỗ trợ - tỉ trọng nâng 300kg; robot vận chuyển hàng trong xưởng; turbine điện gió ngoài khơi); đô thị thông minh (giải pháp giám sát và phát cảnh báo sớm cho tài xế ứng dụng công nghệ AI nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; giải pháp tòa nhà thông minh; giải pháp công nghệ thông minh cho trường học; máy bay không người lái hỗ trợ tìm kiếm cứu trợ cứu nạn; camera AI; Công nghệ số (chip 5G sản xuất tại Việt Nam; giải pháp ngân hàng số, thanh toán số; trung tâm trải nghiệm số)...
Khi NIC lần đầu tiên được báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng đã nói rằng, việc xây dựng NIC được gắn với phát triển kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chứ không chỉ đơn thuần là khoa học - công nghệ. Và rằng, đặt tại Hòa Lạc nhưng không có nghĩa là trung tâm này chỉ phục vụ cho riêng Hà Nội, hay vùng Đồng bằng sông Hồng, thậm chí là cho riêng Việt Nam, mà phải xác định rằng, trung tâm này chính là “cuộc chơi” của Việt Nam ở tầm thế giới, làm sao để kéo được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam đến đây, nghiên cứu và phát triển các công nghệ có thể ứng dụng được không chỉ ở Việt Nam, mà là toàn cầu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, trung tâm này chính là “công cụ quan trọng, là điểm nhấn chính để Việt Nam thực hiện Chiến lược cách mạng 4.0”.
Thông tin thêm về đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia hiện đã có hơn 1.000 thành viên tại 14 quốc gia. Mạng lưới có 5 mạng thành phần tại Mỹ, Đức, Nhật, Australia và hiện tiếp tục triển khai hình thành các mạng lưới thành phần tại Canada, Singapore, Hàn Quốc, Anh…
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định quan điểm đổi mới sáng tạo không chỉ là những gì cao siêu mà là những sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng, những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng. Đổi mới sáng tạo là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể".
| Thúc đẩy kết nối đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực của doanh nghiệp TGVN. Đặt vị thế là một nước đi sau, Việt Nam có thể tiếp thu thành quả của khoa học công nghệ, nhất là nền ... |
| Bế mạc Techfest Việt Nam 2020 TGVN. Sau hơn 3 ngày làm việc, tối 29/11, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2020) ... |
| Thu hút đầu tư từ kiều bào, đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước TGVN. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng việc thu hút kiều bào đóng góp vào xây dựng và ... |