Trong chuyến thăm xứ sở Mặt Trời mọc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ ký kết một thỏa thuận về năng lượng hạt nhân có tính bước ngoặt trong quan hệ song phương. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhiều nước châu Á nghi hoặc chính sách của cường quốc này tại khu vực.
Thủ tướng Modi tiếp kiến Nhật Hoàng Akihito, ngày 11/11. (Nguồn: Reuters) |
Thời gian qua, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ thông qua những cuộc tập trận hải quân ba bên. Tuy nhiên, phương châm “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump suốt cuộc tranh cử tổng thống đã khiến Ấn Độ và Nhật Bản lo ngại Mỹ sẽ giảm dần sự quan tâm tới khu vực. Điều này thúc đẩy New Delhi và Tokyo xích lại gần nhau hơn.
Nhân dịp chuyến thăm tới Tokyo, ông Modi kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh, Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á. “Chính sách phát triển hội tụ giữa hai nước và quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu Ấn – Nhật sẽ có thể đưa kinh tế khu vực phát triển, kích thích tăng trưởng toàn cầu”, ông Modi nhấn mạnh. Ông Modi cho rằng, Ấn Độ và Nhật Bản vững mạnh không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà còn là yếu tố kiến tạo sự ổn định tại châu Á và trên thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân mà hai nước ký kết ngày 12/11 sẽ tạo điều kiện để Ấn Độ tiếp cận với các công nghệ hạt nhân sau nhiều thập kỷ bị cô lập trong lĩnh vực này. Đây cũng là bước khởi đầu để xây dựng một đất nước Ấn Độ phát triển đối trọng với Trung Quốc. Thỏa thuận sẽ có kèm theo một văn bản ghi rõ rằng Nhật Bản sẽ đình chỉ hợp tác hạt nhân với Ấn Độ nếu như nước này tiến hành thử hạt nhân.
Hai nước cũng đang hướng tới một thỏa thuận mà theo đó Nhật Bản sẽ cung cấp máy bay cứu hộ đổ bộ US-2 cho Hải quân Ấn Độ. Đây có thể được coi là thỏa thuận buôn bán thiết bị quân sự đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.