Tổng thống CHLB Đức Joachim Gauck và Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng tại Lễ trình Thư ủy nhiệm ngày 10/11/2015. |
Nhiều thành quả
Những thành tựu trong quan hệ Việt - Đức thể hiện trước hết ở tần suất trao đổi đoàn giữa hai bên. Gần như không năm nào là không có chuyến thăm cấp cao của Đức sang Việt Nam hoặc ngược lại. Riêng trong năm 2015 đã có chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert vào tháng Ba và trong tháng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ thăm Đức, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam trong 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhóm điều hành chiến lược cấp Thứ trưởng ngoại giao hai nước họp định kỳ hàng năm để kiểm điểm và cập nhật chương trình hành động triển khai nhiều dự án hợp tác quan trọng trong khuôn khổ Đối tác chiến lược.
Về kinh tế, năm 2011, kim ngạch thương mại Việt-Đức là 5 tỷ USD. Sau bốn năm nâng cấp quan hệ, con số này đã tăng gấp rưỡi, đạt 7,8 tỷ USD trong năm 2014, và hứa hẹn đạt 8,5 tỷ USD trong năm nay. Với đà tăng trưởng ấy, thời gian tới Đức sẽ tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Tháng 10/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Đại học Việt - Đức, một biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa hai nước. |
Hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác cũng đạt nhiều kết quả đáng kể, đặc biệt là giáo dục- đào tạo và hợp tác pháp luật. Đại học Việt - Đức sau sáu năm hoạt động tiếp tục là một dự án hải đăng, tiêu biểu cho hợp tác song phương về giáo dục. Hiện có trên 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở Đức. Các dự án đào tạo trong khuôn khổ đối thoại nhà nước pháp quyền diễn ra rất nhộn nhịp, hỗ trợ Việt Nam cải cách và tăng cường năng lực tư pháp. Đức cũng là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong EU về hợp tác phát triển với ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, đào tạo nghề và bảo vệ môi trường.
Tất cả thành tựu trên là kết quả của sự nỗ lực và hợp tác nhiệt thành của chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Nâng quan hệ xứng với tiềm năng
Việt Nam và Đức có nhiều chia sẻ về lợi ích và là các đối tác tin cậy. Đó là nền tảng quan trọng để đưa quan hệ song phương phát triển sâu rộng. Tiềm năng hợp tác cùng có lợi giữa hai nước còn rất lớn, cần được khai thác tốt hơn nữa. Đức là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch thương mại hàng năm trên 3.000 tỷ Euro, nhưng buôn bán của Đức và Việt Nam mới chỉ xung quanh 8 tỷ USD. Đức cũng là nhà đầu tư lớn ra nước ngoài, nhưng đầu tư của Đức vào Việt Nam mới chỉ đạt 1,38 tỷ USD.
Do đó, khai thác tiềm năng to lớn về thương mại, đầu tư trong những năm tới là ưu tiên cao của chúng ta cũng như mong muốn của nước Đức.
Để làm được việc đó, có mấy hướng lớn cần được chú trọng: (i) Thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các dự án hải đăng đã thỏa thuận, đang triển khai như Ngôi nhà Đức và tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh; (ii) Tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tầm trung (Mittelstand), xương sống của nền kinh tế Đức, vào Việt Nam; (iii) Cố gắng tạo ra các khuôn khổ hợp tác mới sôi động hơn giữa các địa phương, nhất là các thành phố, các bang lớn có thực lực về kinh tế và công nghệ, những đầu tàu của kinh tế Đức với phía Việt Nam nói chung và với các địa phương của Việt Nam nói riêng.
Chúng ta cũng cần chú ý thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là dạy nghề. Đức nổi tiếng về công nghệ nguồn, đi đầu về Nghiên cứu và Phát triển (R&D), nhất là trong các ngành như cơ khí, chế tạo, dược phẩm, năng lượng sạch. Hệ thống giáo dục và đào tạo song hành của Đức từ lâu đã có uy tín trên toàn thế giới. Đây là thế mạnh rất cần tranh thủ, bằng cách khai thác hiệu quả các dự án đang triển khai như Bản ghi nhớ hợp tác Khoa học Công nghệ Việt - Đức, học bổng của Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), dự án đào tạo thí điểm điều dưỡng viên tại Đức, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác Đức để mở ra hướng đi mới giàu tiềm năng.
Vai trò của cộng đồng và hợp tác địa phương
Nhiều người Việt Nam đã chọn Đức là nơi gắn bó cả cuộc đời. Trong nhiều năm trước, hàng nghìn người Việt Nam được đào tạo và làm việc tại Đức. Việt Nam hiện là quốc gia có số người nói tiếng Đức nhiều nhất Đông Nam Á và con số này đang tăng lên cùng với đà phát triển của quan hệ hai nước. Đây cũng là cơ sở để hai bên phát triển quan hệ nhân dân.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt tại Đức. |
Thời gian qua, nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức càng trở nên gần gũi hơn qua hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương. Trao đổi đoàn cấp địa phương giữa Việt Nam và Đức diễn ra tương đối sôi động, với một số điểm sáng. Thanh Hóa và Mittelsachsen (một tỉnh thuộc bang Sachsen, thủ phủ là Freiberg) đã hợp tác khá hiệu quả về nông nghiệp và năng lượng, là hai địa phương đầu tiên của Việt Nam và Đức đặt văn phòng đại diện tại địa bàn của nhau. Hội An và Wernigerode đã kết nghĩa thành phố du lịch từ năm 2013. Mới đây nhất, TP. Hồ Chí Minh với Leipzig ký thỏa thuận kết nghĩa. Cộng đồng người Việt sở tại đóng vai trò rất có ý nghĩa cho hợp tác hiệu quả ở cấp địa phương. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết để tiềm năng đơm hoa kết trái vẫn phải là sự kiên trì theo đuổi và nhiệt tâm vun đắp từ chính các địa phương, nhất là từ phía Việt Nam.
Đoàn Xuân HưngĐại sứ Việt Nam tại Đức