Các chuyên gia cho rằng, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản trong năm 2021 dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp lịch sử dù Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ nỗ lực hòa giải. (Nguồn: AP) |
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể sẽ đóng vai trò hòa giải kín giống như chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã thực hiện hồi năm 2015 để giúp giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui" của Hàn Quốc - vấn đề lớn gây tranh cãi giữa hai nước láng giềng châu Á.
Ông Biden từng là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Tổng thống Obama.
Các chuyên gia chính trị nhận định, trước sức ép từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể buộc phải tạo ấn tượng rằng họ đang nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương.
Tuy nhiên, sự bất đồng giữa hai nước về khoản tiền đền bù cho các lao động thời chiến vẫn còn sâu sắc và về cơ bản - hai nước khó có thể giải quyết vấn đề này.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cho rằng, "chính quyền của ông Biden sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa việc tăng cường liên minh giữa các đồng minh và câu hỏi đặt ra là họ muốn cải thiện mối quan hệ Nhật-Hàn ở mức độ nào".
Tổng thống đắc cử Joe Biden từng cho biết dự định tập trung vào việc tăng cường các liên minh để giải quyết các thách thức toàn cầu như sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo ông Biden, ứng cử viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinke - từng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama - có đủ kinh nghiệm cho nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, Giáo sư Kan Kimura tại Khoa Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế thuộc Đại học Kobe cho rằng, Hàn Quốc không nhấn mạnh vào việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản.
"Trọng tâm của nước này là có quan hệ tốt với Mỹ để hợp tác thúc đẩy các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Triều Tiên luôn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và mối quan hệ của Seoul với Nhật Bản hay Mỹ chỉ đơn giản là một phương tiện để thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên", ông Kimuara nhận định.