📞

Quan hệ Nga - Anh: Mùa Đông lạnh lẽo

10:30 | 23/01/2008
Hội đồng (HĐ) Anh, cơ quan có chức năng chính là thúc đẩy hợp tác văn hoá và giáo dục của Vương quốc Anh ở nước ngoài, đã bất chấp lệnh cấm của Chính phủ Nga khi cho mở cửa hoạt động trở lại văn phòng tại hai thành phố St. Petersburg và Yekaterinburg. Động thái này có thể được coi như một hành động thách thức luật pháp Nga, khiến cho mối quan hệ vốn đã nhiều khúc mắc giữa Anh và Nga, bước vào thời kỳ băng giá mới.

Giọt nước tràn ly

Sự hiện diện của HĐ Anh tại Nga được căn cứ theo một Hiệp định về hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa ký giữa hai nước vào năm 1994. HĐ Anh đặt văn phòng tại Mátxcơva, St Petersburg và Yekaterinburg, cũng là ba thành phố mà Anh đặt các phái bộ ngoại giao.

Tuy nhiên, vào tháng 12 vừa qua, viện dẫn Công ước Vienna năm 1963, Nga cho rằng các văn phòng của HĐ Anh đã không đăng ký hoạt động hợp pháp và cho rằng đây là tổ chức hoạt động vì lợi nhuận và phải nộp thuế, đồng thời chính thức thông báo từ 1/1/2008, đóng cửa tạm thời 15 văn phòng của HĐ Anh tại tất cả khu vực trên nước Nga, trừ văn phòng chính tại Thủ đô Mátxcơva.

Trong khi đó, phía Anh tuyên bố rằng HĐ Anh chỉ thực hiện vai trò một cơ quan văn hóa và phi chính trị ở Nga, hoạt động theo các thỏa thuận được ký kết giữa hai bên và tuân thủ các quy định của luật pháp Nga và quốc tế. Sau kỳ nghỉ Đông, bất chấp lệnh cấm của Chính phủ Nga, các văn phòng này đã hoạt động trở lại.

Ngày 14/1, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Anh tại Nga Anthony Brenton tới để phản đối hành động này, đồng thời cho biết sẽ áp dụng một loạt biện pháp như đánh thuế và không cấp mới visa cho các nhân viên của cơ quan này. Tuy nhiên, Đại sứ Anh vẫn nói rằng cơ quan này sẽ tiếp tục mở cửa hoạt động các văn phòng còn lại ở Nga.

Nhìn bề ngoài, việc này có vẻ đơn thuần là một cuộc tranh cãi bình thường, Song thực ra đây chỉ là giọt nước tràn ly, đẩy mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Nga và Anh, thêm tồi tệ hơn.

 

Hành động đáp trả?

Quan hệ Nga - Anh vốn đã không thân thiện do lập trường khác nhau trong nhiều vấn đề quốc tế. Nhân tố trực tiếp làm cho quan hệ này căng thẳng là những nghi ngờ của phía Anh liên quan đến cái chết của  cựu đại tá cơ quan an ninh KGB của Nga Alexander Litvinenko vào hồi tháng 11/2006 tại London do nghi bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium 210. Các nhà điều tra Anh cho rằng cái chết của Litvinenko có dính líu đến các nhân viên tình báo Nga và yêu cầu Mátxcơva dẫn độ Lugovoi, một nhân viên tình báo Nga sang London, nhưng đã bị Nga từ chối với lý do luật Nga không cho dẫn độ công dân của họ ra nước ngoài xét xử.

Căng thẳng này đã bị đẩy lên cao khi ngày 16/7/2007, Chính phủ Anh quyết định trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga và siết chặt quy chế cấp thị thực đối với công dân nước này. Phía Nga đáp lại bằng việc cắt thỏa thuận hợp tác chống khủng bố giữa hai nước, đồng thời mở cuộc điều tra về việc các nhà ngoại giao Anh tại Nga hoạt động gián điệp và sau đó cũng trục xuất bốn nhà ngoại giao của Anh vì tội trên.

Trong khi đó, theo Viện Kiểm sát tối cao Nga, kể từ năm 2002, cơ quan này đã đề nghị Anh trao cho Nga tổng cộng 21 người phạm tội trên lãnh thổ Nga chạy sang Anh nhưng vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu nào. Đặc biệt là trường hợp của nhà tài phiệt Boris Berezovsky, người luôn chỉ trích chính quyền Kremlin, thậm chí có lần còn đe dọa đích danh Tổng thống Nga Putin, và là đại diện của thủ lĩnh ly khai Chechnya, Akhmed Zakayev. 6 trong số 11 người đã bị Nga buộc tội cũng được Anh cấp quy chế tị nạn chính trị. Vì vậy, việc Nga siết chặt hoạt động của HĐ Anh tại Nga được phía Anh và dư luận phương Tây cho rằng đó chỉ là động thái nhằm đáp lại thái độ của phía Anh, đồng thời cũng để cảnh báo các tổ chức phi chính phủ khác tại Nga, vốn bị chính quyền Kremlin cho là có các hoạt động nhằm làm giảm vai trò của chính phủ, đe dọa an ninh của Nga.

 

Phần nổi của tảng băng chìm

Cuộc tranh cãi về hoạt động của HĐ Anh tại Nga có thể được hai nước dàn xếp để giải quyết trong thời gian ngắn tới. Bất luận thế nào, việc hoạt động của HĐ Anh ở Nga phải tuân thủ luật pháp Nga và phía Anh không có cơ sở pháp lý thỏa đáng nào để cưỡng lại lệnh đóng cửa của Mátxcơva đối với các văn phòng này. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm và không ai có thể dám chắc rằng trong tương lai, hai nước không có những mâu thuẫn tương tự, tuy chưa đẩy quan hệ hai nước đến mức băng giá hoàn toàn song cũng đã bước vào mùa Đông dài. Các nhà phân tích cho rằng, thực ra mối quan hệ Nga - Anh vốn dĩ không phải tốt đẹp, bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của London gắn chặt với Washington trong việc kiềm chế Nga thông qua việc triển khai các hoạt động quốc tế như việc mở rộng NATO vào sát đường biên giới của Nga, vấn đề Chechnya và thúc ép trao độc lập cho Kosovo, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, xung quanh đường ống dẫn khí đốt  từ Nga cho Châu Âu…

Cả Nga và Anh đều là thành viên thường trực HĐBA LHQ, cùng có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây không còn nồng ấm, việc quan hệ giữa Nga và Anh trở nên xấu đi cũng có thể khiến Nga gặp khó khăn nhất định trong quan hệ với EU. Hiện 40% lượng khí đốt của châu Âu là do Nga cung cấp. Nhiều tập đoàn lớn của châu Âu như dầu khí Shell của Anh đang rất muốn tiếp tục kiếm lời tại các mỏ dầu và khí đốt ở vùng Siberia của Nga. Vì thế, gạt bỏ bất đồng, không để mâu thuẫn đi quá tầm kiểm soát chính là cách mà hai bên cần làm trong lúc này.

Tuy nhiên, với những mâu thuẫn sâu sắc như hiện nay và theo kinh nghiệm quốc tế, khi hai quốc gia đã có xung đột về mặt ngoại giao thì sẽ rất mất thời gian để lấy lại lòng tin, đưa mối quan hệ trở lại bình thường. Do đó, có thể dự đoán rằng, mùa Đông lạnh lẽo này chắc sẽ còn bao phủ mối liên hệ giữa điện Kremlin và tòa nhà số 10 phố Downing ở London.

Ngọc Hùng