Việc học online tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng do sự cố cáp quang biển. (Ảnh minh họa - Nguồn: Saostar.vn) |
Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ internet, 2 trong tổng số 5 tuyến cáp quang biển chạy qua Việt Nam đang gặp sự cố.
Cụ thể, tuyến cáp quang biển AAE-1 (Asia Africa Europe-1) đã xảy ra sự cố trên nhánh S1H (hướng kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong - Trung Quốc). Hiện đơn vị vận hành tuyến cáp quang này đang điều tra nguyên nhân và khắc phục sự cố gặp phải.
AAE-1 là tuyến cáp quang mới được đưa vào vận hành từ tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng kết nối internet hướng đi từ Việt Nam đến châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Ngoài AAE-1, AAG (Asia America Gateway), tuyến cáp quang nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ cũng đã gặp sự cố vào hồi tháng 8 vừa qua, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Hiện lưu lượng internet từ Việt Nam đến Singapore thông qua tuyến cáp quang AAG vẫn chưa được phục hồi. Dự kiến phải đến ngày 26/9, sự cố trên tuyến cáp quang này mới có thể khắc phục được.
Đây là lần thứ 2 tuyến cáp quang AAE-1 và AAG gặp sự cố trong năm nay.
Việc 2 tuyến cáp quang đi quốc tế gặp sự cố và không thể khai thác hết tốc độ truyền tải sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối internet của người dùng tại Việt Nam đi quốc tế. Hiện các nhà mạng đã phải chuyển hướng sử dụng các tuyến cáp quang khác để đáp ứng nhu cầu của người dùng, hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên sự cố chỉ xảy ra với các liên lạc ở quốc tế, với các dịch vụ, trang web đặt máy chủ trong nước… không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Sự cố với 2 tuyến cáp quang trên xảy ra trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra đường để phòng chống dịch bệnh, khiến cho lưu lượng sử dụng internet tăng mạnh do nhiều người xem phim, chơi game trực tuyến hoặc lướt web để giải trí…
Đặc biệt, sự cố xảy ra vào thời điểm năm học mới vừa được bắt đầu và các tỉnh, thành đang áp dụng các biện pháp dạy, học trực tuyến qua các phần mềm, ứng dụng như Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams… Do máy chủ của các phần mềm này chủ yếu đặt ở nước ngoài, do vậy, việc cáp quang gặp sự cố sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ kết nối và có thể làm gián đoạn đến việc dạy và học trực tuyến.
Hiện có 5 tuyến cáp quang biển để kết nối Việt Nam đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu).
Ngoài ra, còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn, đó là TVH, có chiều dài chỉ 3.367km, nối Thái Lan, Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc).
Trên thực tế, việc sự cố gặp phải trên các tuyến cáp quang biển từ Việt Nam đi quốc tế đã trở nên rất quen thuộc trong thời gian qua, mà hầu như năm nào cũng gặp phải ít nhất một vài lần, gây không ít khó khăn và bất tiện cho người dùng internet trong nước.
Nguyên nhân đứt cáp quang biển khá đa dạng, nhưng chủ yếu do sợi cáp nằm ở vị trí có nhiều tàu bè thả neo đậu hoặc khi di chuyển quên kéo neo lên. Hậu quả là những chiếc neo này khi di chuyển vô tình mắc vào sợi cáp làm đứt.
Đôi khi sự cố liên quan đến nguồn điện hoặc đơn giản đơn vị vận hành tiến hành bảo trì… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến lưu lượng truyền tải của cáp quang.
| 'Tổ tiên' của virus corona đã tồn tại cách đây 21 nghìn năm Các nhà khoa học từ Đại học Oxford (Anh) phát hiện ra rằng, tổ tiên chung gần đây nhất của virus SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2, tác ... |
| Công nghệ VAR, 'mắt diều hâu' có cản trở chiến thắng của Tuyển Việt Nam trước Australia trên sân Mỹ Đình? Sáng 6/9, các chuyên gia của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã lắp đặt công nghệ mắt diều hâu tại sân Mỹ Đình ... |
| Sự nóng lên toàn cầu có thể 'đánh thức' những loại virus cổ đại nguy hiểm Sự nóng lên toàn cầu và sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có thể “đánh thức" một số loại virus bất ngờ với ... |