Hướng tới chính sách ngoại giao độc lập
Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lớn tiếng về việc xúc tiến quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc sau khi đã có lời chỉ trích Mỹ - đồng minh lâu năm của mình, song việc thúc đẩy một liên minh quân sự với cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ không thể diễn ra.
Phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói: “Khi chúng ta muốn tăng cường quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, chúng ta không nhất thiết phải gắn kết trong bất kỳ kiểu liên minh nào với Bắc Kinh xét trên quan điểm quân sự, bởi điều này chưa bao giờ là ý định của Tổng thống”.
Ông nói tiếp: “Nhiều lần, Tổng thống đã nói dứt khoát rằng ông sẽ chỉ có một liên minh quân sự, và đồng minh duy nhất của chúng ta ở khía cạnh này là Mỹ”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo tại hội nghị ASEAN+3 ở Vientiane, Lào, tháng 9/2016. (Nguồn: Reuters) |
Năm 1951, Philippines và Mỹ đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung hiện vẫn còn hiệu lực, là nền tảng cho hai thỏa thuận then chốt khác là Hiệp định Thăm viếng Quân sự năm 1998 và Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) năm 2014. Trong những phát ngôn công khai gần đây, ông Duterte đã ám chỉ việc rút lực lượng Mỹ ra khỏi đảo Mindanao ở phía Nam, coi thường hiệu lực pháp lý của EDCA, bày tỏ sự phản đối việc tiến hành các cuộc tuần tra chung ở vùng biển thuộc lãnh thổ Philippines, và đe dọa dừng các cuộc tập trận chung hàng năm giữa quân đội Mỹ và Philippines trong thời gian tại nhiệm.
Ông Duterte nói rằng Philippines có thể luôn hướng sang phía Trung Quốc và Nga, song tuyên bố này được các quan chức chính phủ giải thích là cách thể hiện dự định của ông muốn tạo lập một chính sách đối ngoại độc lập, đồng thời mở ra cho Philppines khả năng liên minh với các đồng minh tiềm năng khác.
Theo ông Yasay, mục tiêu chính của ông Duterte khi thăm Trung Quốc trong tháng này là nhằm tăng cường và thúc đẩy các khía cạnh khác trong mối quan hệ hai nước nằm ngoài những tranh cãi về lãnh thổ ở Biển Đông. Các lĩnh vực này bao gồm quan hệ thương mại, các cơ hội đầu tư, hợp tác và hỗ trợ phát triển hạ tầng, giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa.
Không “xếp xó” phán quyết của Tòa trọng tài
Hồi tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của Công ước luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, theo đó cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá trên Biển Đông là không có căn cứ.
Ông Yasay cho rằng mặc dù ông Duterte muốn khôi phục lại quan hệ với Trung Quốc, song “điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ quan hệ đồng minh hay làm suy yếu tình hữu nghị với Mỹ”.
Ông Yasay bộc bạch: “Tổng thống cũng đã đảm bảo với các đối tác truyền thống và các đồng minh của chúng tôi rằng chừng nào những gắn kết với Trung Quốc còn gây quan ngại thì họ sẽ là thành phần tham dự trong các cuộc tham vấn được tổ chức. Và thực tế là Tổng thống đang thực hiện điều này. Chúng tôi đã vừa gặp gỡ với Nhật Bản và Australia. Tôi cũng đã gặp người đồng cấp Mỹ của mình trong các cuộc tham vấn đang diễn ra theo đường hướng này”.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. (Nguồn: VOA) |
Mặc dù từ chối cho biết liệu ông Duterte có đề cập tới phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài khi gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc hay không, song ông Yasay khẳng định Philippines không “xếp xó” phán quyết quan trọng mà nước này có được về vấn đề Biển Đông.
Trong các phát ngôn trước đây, ông Duterte nói rằng vấn đề trước mắt mà ông sẽ nêu ra trước Trung Quốc là việc phải để ngư dân Philippines được tiếp tục đánh bắt cá ở khu vực Bãi cạn Scarborough như Tòa Trọng tài đã phán quyết. Ông cũng cam kết sẽ đề cập tới phán quyết này với Trung Quốc tại một thời điểm thích hợp.