Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ bảy với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. |
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, lịch làm việc của Thủ tướng trong hai ngày tại Tokyo đều dày kín các hoạt động từ sáng sớm tới tối khuya. “Các cuộc hội đàm và tiếp xúc nêu trên đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, vượt dự kiến”, Thứ trưởng đánh giá.
Thông điệp đối với các quốc gia tiểu vùng Mekong
Tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo năm nước Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) và Nhật Bản đã thông qua "Chiến lược Tokyo 2015" với định hướng rõ ràng cho hợp tác giai đoạn 2016-2018 và mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt "tăng trưởng chất lượng" tại Tiểu vùng Mekong.
Các hoạt động hợp tác Mekong - Nhật Bản tập trung vào bốn trụ cột chính: phát triển hạ tầng công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kết nối thể chế, kết nối kinh tế và giao lưu nhân dân; phát triển bền vững vì một tiểu vùng Mekong xanh; tăng cường phối hợp với các cơ chế Tiểu vùng Mekong khác và hợp tác với khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế và các bên liên quan.
“Chiến lược Tokyo 2015” được Nhật Bản coi là thông điệp khích lệ đối với các nước Mekong trên con đường tiến tới Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh để thực hiện được các mục tiêu này, trong ba năm tới đây Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước Mekong 750 tỷ Yên ODA, tăng 150 tỷ Yên so với giai đoạn ba năm trước.
"Chúng tôi cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm và tận dụng các thế mạnh Mekong, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn trong cơ chế hợp tác này và chúng tôi sẽ xây dựng hợp tác đa tầng nấc với các nước tiểu vùng Mekong. Có thể nói các quốc gia Mekong có tiềm năng và tương lai phát triển rất lớn bởi tốc độ tăng trưởng rất cao trong thời gian qua. Chúng tôi muốn cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng thông qua Chiến lược Tokyo 2015. Và chúng tôi cũng hết sức ủng hộ các nước Mekong đang trên con đường tiến tới Cộng đồng ASEAN", Thủ tướng Abe khẳng định.
Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào năm nước Mekong trong ba năm qua tương đương với nguồn vốn Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc, khoảng 6,5 tỷ USD. Với "Chiến lược Tokyo 2015", Nhật Bản mong muốn cung cấp nhiều hơn kinh nghiệm và công nghệ ưu việt cho năm nước Mekong.
Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Đồng thời, lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Củng cố quan hệ tin cậy, gắn kết
Các cuộc hội đàm, trao đổi và tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nhà lãnh đạo, chính khách và doanh nhân Nhật Bản đã góp phần quan trọng củng cố sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo Quốc hội, các chính đảng lớn, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đều khẳng định coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí với tất cả các đề nghị hợp tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét tích cực việc cung cấp 300 tỷ Yên (tương đương 3 tỷ USD) ODA cho năm tài khóa 2015, cao hơn hẳn so với mức các năm trước (bằng cả mức năm 2013 và 2014 gộp lại) cho các dự án hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định "Đây là mốc ODA kỷ lục cho một năm tài khóa 2015 với những dự án hạ tầng cơ bản, trong đó có sáu dự án lớn về hạ tầng đang đầu tư và sẽ tiếp tục được đầu tư. Ngoài ra Nhật Bản còn cam kết hỗ trợ Việt Nam tàu đã qua sử dụng để tăng cường công tác kiểm ngư trên biển cũng như đóng tàu mới cho cảnh sát biển Việt Nam".
Thủ tướng Nhật Bản cũng nhất trí cung cấp ODA cho dự án Bệnh viện hữu nghị Việt -Nhật (Bệnh viện Chợ Rẫy 2); cam kết triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn như Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nghiên cứu đầu tư trước một đoạn cần thiết trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tăng cường hợp tác về đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực…
Chính phủ Nhật Bản còn đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng trường Đại học Việt - Nhật, giúp nâng cấp một số trường đại học và dạy nghề. Nhật Bản cam kết tăng thêm số học bổng cho lưu học sinh Việt Nam, nhận nhiều hơn các điều dưỡng viên, lao động Việt Nam sang học và làm việc tại Nhật Bản.
Với nguồn vốn ODA này, Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đi cùng với tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam. Trong tám năm qua, ODA của Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng một số cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng Cái Mép - Thị Vải, Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia vào kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD do Thủ tướng Abe công bố tháng 5/2015 nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí trong cuộc hội đàm.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí và chính thức tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá đây là sự kiện vô cùng quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong 12 nước tham gia TPP với chính sách bảo hộ rất khắt khe. "Đàm phán thành công với Nhật Bản có nghĩa rằng chúng ta đã thống nhất được với một trong những đối tác hàng đầu trong TPP, điều này sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đàm phán với các đối tác khác, đặc biệt với Hoa Kỳ", Bộ trưởng khẳng định.
Trong hai tiếng đối thoại cởi mở với Chủ tịch và Tổng giám đốc của 15 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời 34 câu hỏi trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư hạ tầng lớn về đường bộ, đường sắt, hàng không, chế tạo máy bay, xây dựng đường cao tốc, dự án hạ tầng đô thị lớn, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao và xây dựng các khu đô thị thông minh...
Các tập đoàn lớn của Nhật Bản đều bày tỏ tin tưởng vào chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, cam kết mở rộng đầu tư làm ăn ở Việt Nam.
Với những kết quả ấn tượng đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường khẳng định chuyến thăm chắc chắn sẽ góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới theo hướng ngày càng tin cậy, gắn kết, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.
Minh Nguyệt