Mới đây, các thiết bị đầu tiên thuộc tổ hợp Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ và Hàn Quốc phối hợp triển khai tại Hàn Quốc đã được chuyển tới căn cứ không quân Osan, đánh dấu quá trình lắp đặt THAAD chính thức bắt đầu.
Hàn Quốc quyết tâm triển khai
Trước đó, tháng 7/2016, Hàn Quốc và Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai THAAD tới Hàn Quốc trong năm 2017 với mục đích được công bố là đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Lo ngại mối đe dọa tên lửa ngày càng rõ ràng từ phía Bắc và quan hệ liên Triều căng thẳng, cũng như những thay đổi chưa đoán được dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hàn Quốc đang đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Nguồn: Reuters) |
Hệ thống THAAD có tầm hoạt động rộng và được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngắn, trung bình ở giai đoạn cuối trước khi những tên lửa này tiếp cận mục tiêu. THAAD được xem là một “lá chắn” hoàn hảo, giúp Hàn Quốc và gần 30.000 binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước này nhận được sự bảo vệ vượt trội chống lại thách thức hạt nhân từ bên ngoài. “Con mắt thần” của THAAD - radar hoạt động ở băng tần X có tên AN/TPY-2, có khả năng phát hiện các mối nguy hiểm ở cự ly tối đa 2.000 km, có thể kiểm soát được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc.
Hàn Quốc dự kiến triển khai THAAD tại khu đất ở vùng Seongju, Đông Nam Seoul. Hiện quân đội hai nước đang nỗ lực đẩy nhanh công tác triển khai THAAD để sớm đưa vào vận hành lá chắn tên lửa này, hỗ trợ phòng thủ cho Hàn Quốc trước những uy hiếp hạt nhân, tên lửa từ bên ngoài.
Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc Vincent Brooks khẳng định phía Mỹ sẽ hỗ trợ Hàn Quốc những trang thiết bị tối tân nhất trong quá trình triển khai THAAD. Ông Brooks khẳng định THAAD sẽ góp phần củng cố mạng lưới phòng thủ tên lửa "đa tầng" cho Hàn Quốc, đối phó với hiểm họa tên lửa từ miền Bắc Triều Tiên.
Lo ngại của Trung Quốc
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố THAAD có thể đặt ra mối đe dọa an ninh đối với những lợi ích của mình. Trung Quốc lo sợ sẽ ở thế yếu và không kịp trở tay trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc bị vô hiệu hóa. Chính vì thế, Bắc Kinh tin rằng việc triển khai hệ thống THAAD chủ yếu là nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở Đông Bắc Á và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt biện pháp trả đũa Hàn Quốc từ khi nước này quyết định triển khai THAAD. Đầu tiên, từ cuối năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp hạn chế khoảng 20% chỉ tiêu khách du lịch đến Hàn Quốc. Cách đây vài ngày, sau khi Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc thông qua phương án đổi sân golf Seongju cho quân đội bố trí THAAD, Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) đã chỉ thị dừng hoàn toàn việc cung cấp các dịch vụ du lịch tới Hàn Quốc. Theo đó, tất cả các đoàn khách du lịch muốn đến Hàn Quốc sẽ bị cấm mua vé máy bay và cấm xuất cảnh tới Hàn Quốc, bất kể thông qua các công ty lữ hành hay du lịch tự do.
CNTA yêu cầu từ trung tuần tháng 3 này, các công ty du lịch phải hủy bỏ các gói du lịch tới Hàn Quốc, kể cả các hợp đồng đặt trước. Lệnh hạn chế này sẽ gây tổn thất không nhỏ cho ngành công nghiệp không khói của “xứ sở kim chi”, nơi đón tới 8 triệu lượt du khách Trung Quốc đến thăm trong năm 2016.
Tác động với ngành dịch vụ Hàn Quốc từ lệnh cấm công dân du lịch tới "xứ sở kim chi" của chính quyền Bắc Kinh. (Nguồn: The Hankyorreh) |
Tại Bắc Kinh, một siêu thị Lotte đã bị phạt 44.000 Nhân dân tệ do quảng cáo bất hợp pháp. Tập đoàn tài chính và bán lẻ Ruixiang có trụ sở ở Giang Tô cũng cho đình chỉ chương trình thẻ mua sắm của tập đoàn với khoảng 50 cửa hàng Lotte ở trong tỉnh.
Trong những ngày qua, các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra bên ngoài các siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, một cuộc tấn công mạng sử dụng địa chỉ IP Trung Quốc cũng vừa khiến trang tiếng Trung của công ty bán lẻ hàng miễn thuế Lotte Duty Free tê liệt. Trước đó, đầu tháng 2, Lotte cho hay chính quyền Trung Quốc đã ngừng dự án địa ốc trị giá nhiều tỷ USD của tập đoàn này tại thành phố Thẩm Dương sau một cuộc kiểm tra an toàn cháy nổ.
Một loạt động thái kể trên cho thấy Trung Quốc muốn Hàn Quốc phải nhận bài học đắt giá về kinh tế vì triển khai THAAD. Tuy vậy, những động thái trả đũa cũng có thể sẽ mang đến hiệu ứng ngược, khiến Bắc Kinh thiệt hại đáng kể bởi Hàn Quốc hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Đó là chưa kể, với kinh nghiệm và bản lĩnh của một quốc gia vượt qua tổn thất của chiến tranh để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn ở châu Á, Hàn Quốc chắc chắn không phải là một đối thủ dễ chịu đối với Trung Quốc.