Chiều ngày 25/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chính sách tại Bộ Ngoại giao Brazil. |
Chiều ngày 25/9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chính sách tại Bộ Ngoại giao Brazil. Phát biểu giới thiệu, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Maria Laura da Rocha cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ đầy ý nghĩa của hai quốc gia.
Bà Brazil Maria Laura da Rocha cho biết, Brazil mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, năng lượng, giáo dục – đào tạo, thương mại...
Bà Maria Laura da Rocha mong muốn hai nước thúc đẩy quan hệ hai nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau trên diễn đàn đa phương và toàn cầu, duy trì cơ chế đối thoại.
Mở đầu phát biểu, Thủ tướng cho rằng, sự kiện như một cuộc toạ đàm để học hỏi kinh nghiệm về chính sách phát triển đất nước.
Thủ tướng đã chia sẻ về 3 vấn đề lớn gồm: quá trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam; quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam; quan hệ Việt Nam-Brazil trong bối cảnh mới.
Hình mẫu trong hàn gắn vết thương chiến tranh
Về quá trình đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, Thủ tướng nhắc lại lịch sử của đất nước đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành được độc lập; dân tộc đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh.
Kể từ năm 1986, khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Việt Nam bắt đầu với 3 trụ cột chính là xóa quan liêu bao cấp, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần và hội nhập kinh tế. “Khi đó, với Việt Nam, đổi mới là việc không thể không làm”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng chia sẻ, đến nay, những nước từng đụng độ trong chiến tranh như Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc đều thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
“Từ hận thù cho đến hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa rồi nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược, Đối tác Chiến lược toàn diện, đó là lý giải vì sao Việt Nam được coi là hình mẫu”, Thủ tướng nói.
Nhắc lại sự kiện vài ngày trước, khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu khai mạc Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhấn mạnh: “quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là hình mẫu trong hàn gắn vết thương chiến tranh”, Thủ tướng cho rằng, từ hình mẫu này cho thấy không gì là không thể.
Từ thực tế của Việt Nam, với những bài học kinh nghiệm, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định: “không gì là không thể”. Thủ tướng cho rằng, cần phải tìm đến hòa bình, hợp tác và phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để ứng phó với những vấn đề toàn cầu, toàn dân.
Thủ tướng chia sẻ, đến nay, những nước từng có đụng độ trong chiến tranh như Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc đều thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. |
Quan hệ Việt Nam-Brazil: Đủ nắng hoa sẽ nở
Chia sẻ về quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh những định hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xác định rõ mục đích phấn đấu. Thủ tướng cũng chia sẻ, Việt Nam đề ra mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng chia sẻ với phía Brazil về 10 định hướng lớn của Việt Nam trong những năm tới. Thủ tướng nhắc đến định hướng trong ngoại giao với chính sách “ngoại giao cây tre” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Là đất nước chịu quá nhiều đau khổ và hy sinh mất mát, Việt Nam xác định luôn yêu chuộng hòa bình. Vì thế, theo Thủ tướng, bảo đảm an ninh quốc phòng với việc kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không” là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Định hướng xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ và đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được Thủ tướng nhắc đến trong bài chia sẻ với những người bạn Brazil.
Chia sẻ về quá trình phát triển của đất nước, trong đó phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP hàng năm đạt bình quân khoảng 6,5% trong gần 4 thập kỷ qua. Từ một đất nước chỉ có GDP bình quân đầu người là dưới 100 USD đến nay đã lên khoảng 4.100 USD, đưa Việt Nam vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI.
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động và còn khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đặt mục tiêu bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát bội chi ngân sách…
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam chia sẻ với phía Brazil về 10 định hướng lớn của Việt Nam trong những năm tới. |
Về chính trị - xã hội, tình hình ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn dưới 2%; các chính sách an sinh xã hội đã được làm rất tốt dù đại dịch đi qua và để lại hậu quả nặng nề nhưng người dân không ai bị bỏ lại phía sau.
Về quan hệ Việt Nam-Brazil, Thủ tướng cho rằng hai nước có sự gắn bó mật thiết và chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Ông đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh các kĩnh vực trọng tâm như chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, văn hóa, thể thao, đổi mới sáng tạo…
“Việt Nam mong muốn Brazil thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - MERCOSUR. Hai nước sẽ là cầu nối đắc lực của nhau trong hợp tác với ASEAN và MERCOSUR”, Thủ tướng đề nghị.
Nhận định Việt Nam và Brazil đang đứng trước nhiều cơ hội mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin mối quan hệ hai nước sẽ sớm “đơm hoa kết trái".