Chúng ta đã triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động đối ngoại với khu vực, thu được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, tạo được nhiều điểm nhấn trong quan hệ với các đối tác lớn cũng như các đối tác truyền thống.
Sôi động quan hệ Việt – Nga
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev dự lễ khai mạc Năm chéo Việt - Nga, tháng 5/2019 tại Thủ đô Moscow. (Nguồn: TTXVN) |
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga được thắt chặt thông qua các chuyến thăm cấp cao và hàng loạt hoạt động trao đổi sôi nổi trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994-2019) và 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020).
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (5/2019) và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2019) thành công tốt đẹp với nhiều thỏa thuận được ký kết. Trong các cuộc trao đổi, các Lãnh đạo Nga đều nhiều lần nhấn mạnh tính chất đặc biệt, sự tin cậy sâu sắc trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.
Hợp tác Việt-Nga trên các lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, quốc phòng an ninh, thông tin, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục được mở rộng, thúc đẩy với nhiều dự án then chốt. Tiếp tục triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 4,15 tỷ USD (cả năm 2018 là 4,5 tỷ USD). Nga là thị trường du lịch lớn nhất châu Âu của Việt Nam với trên 700 ngàn lượt khách năm 2019.
Đà phát triển mới cho quan hệ Việt Nam - EU
Quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2019 cũng có những bước phát triển vượt bậc với nhiều hoạt động và thỏa thuận được ký kết. Chuyến thăm chính thức EU của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (4/2019) đã tạo đà phát triển mới cho quan hệ hai bên.
Ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam và EU đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA), mở ra những cơ hội to lớn về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho hai nền kinh tế và cho các đối tác hai bên.
Lễ ký kết Hiệp định EVFTA và IPA ngày 30/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Kim ngạch trao đổi thương mai hai chiều giữa Việt Nam và EU trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 51,72 tỷ USD (cả năm 2018 là 55,8 tỷ USD). Hai bên đang tích cực đi vào thực hiện cơ chế điều phối hợp tác thông qua Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, đã hoàn tất phê chuẩn để đưa Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản đi vào hiệu lực từ ngày 1/6/2019, thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững ngành kinh tế lâm nghiệp Việt Nam.
Tiếp đó, Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU ký ngày 17/10/2019 đánh dấu bước phát triển quan trọng hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng và gìn giữ hòa bình quốc tế.
Nâng tầm quan hệ với các đối tác lớn
Trong năm qua, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều bước phát triển rất tích cực trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn, đối tác truyền thống khác ở châu Âu.
Các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cũng như Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tới các nước ở khu vực như Pháp, Đức, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Romania, Hungary, Czech, Belarus, Kazakhstan... và các chuyến đi dự, tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế, đón Lãnh đạo các nước thăm Việt Nam đã tạo những bước thúc đẩy quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đón Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại sân bay, tháng 4/2019. |
Chúng ta đã củng cố và nâng tầm các khuôn khổ quan hệ, thúc đẩy các bước phát triển nhiều ý nghĩa trong quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp, Đức, Anh, nâng quan hệ với Hà Lan lên Đối tác toàn diện, tiếp tục triển khai mạnh các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời trao đổi, thống nhất với các đối tác mở ra những hướng hợp tác mới đầy tiềm năng, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển, đối ngoại và hội nhập ngày càng cao của Việt Nam cũng như của các nước.
Các nước và các đối tác đều coi trọng và đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam, mong muốn mở rộng thương mại, đầu tư, tranh thủ các cơ cơ hội mở ra từ các quan hệ và liên kết kinh tế phong phú, đa dạng của Việt Nam tại khu vực; tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phát triển bền vững, nông nghiệp chất lượng cao, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và giáo dục - đào tạo, nhất là những ngành phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh hợp tác song phương, hợp tác đa phương giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, trong bối cảnh vị thế quốc tế và khu vực của Việt Nam ngày càng được nâng cao với việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021.
Chúng ta và các nước, các đối tác châu Âu đã và đang tăng cường các cơ chế trao đổi, phối hợp nhằm cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, giữ gìn hòa bình, an ninh trên quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, đảm bảo sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trên nền tảng các kết quả đáng khích lệ đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng năm 2020 sẽ hứa hẹn nhiều bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu.