📞

Quan hệ Việt Nam – Đan Mạch: Kỷ nguyên mới

05:58 | 06/11/2009
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đến Việt Nam từ ngày 1-9/10 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra khi hai bên đang hướng tới xây dựng “Quan hệ đối tác vì sự phát triển”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Nữ hoàng Vương quốc Đan Mạch Margrethe Đệ nhị duyệt Đội danh dự.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đến Việt Nam từ ngày 1-9/10 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra khi hai bên đang hướng tới xây dựng “Quan hệ đối tác vì sự phát triển”.

Hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 2/11, Nữ hoàng   Margrethe II cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của gia đình Hoàng gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là lần đầu tiên cả gia đình Hoàng gia đến thăm Việt Nam. “Chúng tôi rất coi trọng chuyến thăm này, vì thế trong đoàn lần này có rất nhiều thành phần tham dự, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp đông đảo tháp tùng”, Nữ hoàng Margrethe II nói.

 

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận và có quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 11/1971). Năm 1980, Đan Mạch mở Đại sứ quán tại Hà Nội và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cophenhaghen vào năm 2000. Trong hai thập kỷ qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch chủ yếu tập trung vào hợp tác phát triển nhưng gần đây quan hệ giữa hai nước đang ngày càng được tăng cường và mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Đan Mạch hồi tháng 9 và chuyến thăm của Gia đình Hoàng gia Đan Mạch tới Việt Nam, chuyến thăm lớn nhất từ trước đến nay trong quan hệ giữa hai nước, đã chứng tỏ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp đó. Thành công của chuyến thăm đặc biệt này được nhận định là sẽ mở ra một kỉ nguyên mới cho quan hệ giữa hai nước.

 

Hiện kim ngạch thương mại hai nước tăng đều 10-15%/năm, đạt trên 300 triệu USD năm 2008. Là một trong những nước ở Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam, Đan Mạch có 70 dự án còn hiệu lực hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 400 triệu USD, đứng thứ 22 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong chuyến thăm Đan Mạch mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã nhất trí coi hợp tác kinh tế là lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD và đầu tư của Đan Mạch tại Việt Nam lên 1 tỷ USD trong một vài năm tới.

 

Hoàng thân Henrik cho rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Đan Mạch xét về khía cạnh kinh doanh, thương mại và đầu tư đã phát triển đáng kể. Cách đây 5 năm, có khoảng 50 công ty Đan Mạch đến Việt Nam làm ăn nhưng đến nay con số này là hơn 100 bởi “Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đan Mạch”. Hoàng thân đã đề nghị hai nước cùng hợp tác để phát triển về hàng không, công nghệ sạch… đảm bảo sự hợp tác của hai nước có sức cạnh tranh lớn trong quá trình hội nhập.

 

Theo nhận định của phía Đan Mạch, một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác nhất giữa doanh nghiệp hai nước là các giải pháp công nghệ sạch, công nghiệp hàng hải, công nghệ thông tin và truyền thông, các trang thiết bị và dịch vụ sân bay... Các công ty Đan Mạch và Việt Nam còn quan tâm đến việc hợp tác trong những lĩnh vực như dịch vụ thiết kế, thiết kế mỹ thuật công nghiệp và xây dựng thương hiệu, du lịch…

 

Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam với tổng viện trợ không hoàn lại tính đến nay khoảng 1 tỷ USD. Năm 2008, Đan Mạch đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 40 triệu USD. Khoản viện trợ mới này dành riêng cho lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Hai bên cũng đã có những chương trình hợp tác phát triển về văn hóa và du lịch khá mạnh mẽ. Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Đan Mạch du lịch Việt Nam trong vòng 15 ngày. Mỗi năm có hàng chục nghìn người từ “xứ sở của chuyện cổ tích” chọn Việt Nam làm điểm đến trong chương trình nghỉ ngơi và du lịch.

 

Nhất Lam