📞

Quan hệ Việt Nam - Mỹ và Mỹ Latinh: Nhanh chóng và ấn tượng

16:12 | 16/12/2013
Trong bài viết cho TG&VN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã chia sẻ về những bước phát triển ấn tượng trong quan hệ Việt Nam với Mỹ, Việt Nam với các nước Mỹ Latinh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà trắng, tháng 7/2013.

Việt - Mỹ: Quan hệ đi vào chiều sâu

Sau 18 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những bước phát triển ấn tượng cả về chiều rộng và chiều sâu.

Thứ nhất, hợp tác Việt - Mỹ đã và đang được mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2013 lên đến 19,5 tỷ USD (thặng dư thương mại 15,2 tỷ USD), tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng FDI của Mỹ vào Việt Nam tính đến hết tháng 10/2013 đạt 10,6 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Cùng với việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh, hai bên đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh… Vừa qua, hai bên đã ký tắt Hiệp định về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân và triển khai các dự án hợp tác về công nghệ không gian, khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thứ hai, quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu cả trên bình diện song phương và đa phương. Không chỉ đẩy mạnh các cơ chế trao đổi, đối thoại thực chất ở nhiều cấp, hai bên đang tích cực tham gia và phối hợp trong quá trình hình thành và củng cố các cấu trúc khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, đặc biệt đang phấn đấu để sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP. Có thể nói, quan hệ hai nước đã đạt đến mức độ chín muồi để có thể cùng trao đổi thực chất về những vấn đề chiến lược như an ninh hàng hải ở Biển Đông, an ninh nguồn nước sông Mekong hay các vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng có thể trao đổi thẳng thắn về các vấn đề hai bên còn khác biệt như tranh chấp thương mại, nhân quyền.

Thứ ba, năm 2013 có thể xem là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ khi hai bên xác lập được khuôn khổ Đối tác toàn diện trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Cùng với việc khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của nhau, khuôn khổ quan hệ mới này tạo nền tảng cơ bản để hai bên thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực theo hướng thực chất hơn cũng như quản lý một cách hiệu quả những khác biệt. Trong các cuộc trao đổi gần đây, cả hai bên đều nhất trí nhận định rằng chỉ với 4 tháng sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ mới, đã có nhiều tiến triển tích cực trong quan hệ song phương.

Tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung trong việc thúc đẩy quan hệ. Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và mong muốn quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất. Về phía Mỹ, tôi cũng tin rằng Mỹ đánh giá được lợi ích nhiều mặt trong quan hệ với Việt Nam và coi trọng vị trí của Việt Nam trong chiến lược chung với khu vực. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm thuận lợi nữa, đó là việc nhân dân hai nước đang ngày càng có điều kiện để giao lưu và xích lại gần nhau hơn, thể hiện qua con số 16.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Mỹ và hàng trăm ngàn khách du lịch Mỹ thăm Việt Nam hàng năm. Trên cơ sở những điểm đồng về lợi ích, với một khuôn khổ quan hệ mới cho phép phát huy những điểm đồng đó và với sự hiểu biết ngày càng tăng giữa nhân dân hai nước, triển vọng để thúc đẩy hợp tác Việt - Mỹ là rất lớn. Tất nhiên, hai bên sẽ cùng phải nỗ lực để xử lý hiệu quả những bất đồng và khác biệt còn tồn tại trong quan hệ song phương trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng.

Việt Nam - Mỹ Latinh: Tuy xa mà gần

Nếu như vào năm 1975, Việt Nam chỉ có quan hệ ngoại giao với 3 nước Mỹ Latinh (MLT) gồm Cuba, Chile và Argentina thì đến cuối năm 2013, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 30 trong tổng số 33 nước ở khu vực (dự kiến sẽ sớm lập QHNG với toàn bộ các nước khu vực). Việt Nam đã hình thành khuôn khổ Ủy ban hợp tác liên chính phủ với 5 nước, cơ chế tham khảo chính trị với 17 nước MLT. Mặc dù cách xa nửa vòng trái đất nhưng Việt Nam và các nước khu vực thường xuyên trao đổi các chuyến thăm ở các cấp, trong 10 năm qua có hàng chục chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đến MLT và một con số tương tự các chuyến thăm của Lãnh đạo MLT đến Việt Nam. Việt Nam đã có 7 ĐSQ ở khu vực MLT; 9 nước MLT đã mở Đại sứ quán ở Hà Nội, trở thành những cầu nối quan trọng để thúc đẩy quan hệ gắn bó, hợp tác nhiều mặt. Việt Nam và các nước MLT duy trì quan điểm gần gũi và sự phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương: LHQ, Phong trào KLK, WTO, APEC, FEALAC…

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và MLT cũng có sự phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực trong thập kỷ qua tăng trung bình gần 30%/năm, năm 2012 đạt 5,7 tỷ đôla và năm 2013 dự kiến vượt ngưỡng 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch thương mại của VN với Brazil đang tiếp cận ngưỡng 2 tỷ USD, với Mexico và Argentina đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Vốn đầu tư cam kết của Việt Nam tại MLT đạt khoảng 7 tỷ USD, tập trung trong lĩnh vực dầu khí và viễn thông. Hợp tác về giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, các lĩnh vực hợp tác Nam-Nam giữa VN và các nước khu vực cũng phát triển vững chắc. Kết quả của Diễn đàn Việt Nam-Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội tháng 7/2012, với sự tham gia của 600 đại biểu quan chức và doanh nghiệp của Việt Nam cùng 15 nước MLT, đã khẳng định mức độ quan hệ kinh tế và sự quan tâm mà VN và các nước MLT đang dành cho nhau.

Khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, cùng với khu vực MLT trong những năm gần đây nổi lên như những cực tăng trưởng mới, đầy năng động của kinh tế thế giới, có tiềm năng to lớn để hợp tác và bổ sung cho nhau. Các nước Châu Á và MLT đều có xu thế hướng mạnh sang thị trường của nhau để tìm kiếm các cơ hội thương mại và đầu tư, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ và EU. Sự hình thành của các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại liên khu vực như APEC, FEALAC, TPP… đã và sẽ tạo điều kiện cho kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa hai bờ Thái Bình Dương. Với nền tảng quan hệ vững chắc mà Việt Nam đã thiết lập với các nước khu vực, dưới sự tác động mạnh mẽ của những xu thế khu vực và toàn cầu, với sự quan tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ từ cả hai phía, chắc chắn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước MLT sẽ còn chứng kiến những bước phát triển ấn tượng hơn nữa./.

Mỹ Latinh (bao gồm cả khu vực Caribe) là một khu vực rộng lớn bao gồm 33 nước trải dài trên diện tích hơn 20 triệu km2 với dân số gần 600 triệu người, giàu tài nguyên, khoáng sản quý hiếm. Mỹ Latinh là một khu vực có sự liên kết kinh tế rộng rãi với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực và ngoài khu vực được ký kết như: Mercosur, Cộng đồng Andean, Cộng đồng Caribe (Caricom), Chile-Mercosur, Bolivia-Mercosur, Thị trường chung Trung Mỹ (CACM), và các hiệp định khác.

Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hầu hết các nước Mỹ Latinh. Nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với khu vực này chỉ đạt khoảng 300 triệu USD thì đến năm 2013, dự kiến đạt khoảng 6 tỷ USD, mức tăng trưởng trung bình trên 35%/năm. Nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các nước châu Mỹ Latinh thu được giá trị thương mại cao, bao gồm giày dép, hải sản, dệt may, các sản phẩm nhựa và cao su, cà phê...

Mười quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất của Việt Nam ở Mỹ Latinh gồm: Brazil (597,7 triệu USD), Mexico (589,7 triệu USD), Cuba (270 triệu USD), Panama (227,4 triệu USD), Argentina (148,8 triệu USD), Chile (118,1 triệu USD), Columbia (106 triệu USD), Peru (75 triệu USD), Ecuador (59 triệu USD) và Venezuela (26,9 triệu USD). Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,18% trong tổng giá trị nhập khẩu của khu vực này (2,4 tỉ USD trong số 1.021 tỉ USD).