📞

Quan hệ Việt Nam – Nam Phi: Tuổi “trăng rằm”

11:02 | 19/12/2008
Ngày 22/12, Việt Nam và Nam Phi sẽ kỷ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ở tuổi “trăng rằm”, kết quả hợp tác giữa hai nước chưa phải là nhiều, nhưng tiềm năng hợp tác lại được đánh giá là đầy triển vọng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, thương mại, khoáng sản…
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón Tổng thống Thabo Mbeki trong chuyến thăm Việt Nam, 5/2007.

Đối tác lớn nhất ở châu Phi

 

Việt Nam có quan hệ từ lâu với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi. Việt Nam luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi chống chế độ Apartheid, ủng hộ quá trình cải cách dân chủ. Các thế hệ lãnh đạo Nam Phi đều có thiện cảm đặc biệt với Việt Nam. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói: “Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Hồ Chí Minh và đường mòn Hồ Chí Minh cùng sự nghiệp giải phóng đất nước Việt Nam luôn là ấn tượng sâu sắc đối với tôi”.

 

Tháng 11/2004, hai nước đã ký Tuyên bố chung về Đối tác vì hợp tác và phát triển nhân chuyến thăm “đất nước Cầu Vồng” của Thủ tướng Phan Văn Khải. Đây là thỏa thuận quan hệ đối tác đầu tiên Việt Nam ký với một nước châu Phi, sau khi ký với Nhật Bản, Nga và Ấn Độ.

 

Những năm gần đây, Nam Phi luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch hai chiều năm 2007 đạt gần 200 triệu USD.  Trên thực tế, Việt Nam và Nam Phi có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như nông nghiệp, trong đó Nam Phi cung cấp các sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam và nhập khẩu các đặc sản nhiệt đới của Việt Nam. Trong công nghiệp khai khoáng - một thế mạnh của Nam Phi, ngoài việc cung cấp khoáng sản cho công nghiệp chế tác kim loại và sản xuất kim hoàn cho Việt Nam, Nam Phi còn có thể chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Một số lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại Nam Phi là dịch vụ tài chính ngân hàng, công nghiệp hóa chất, khai thác thủy sản…

- Từ 31/10-5/11, trong hành trình thăm một số quốc gia và vùng lãnh thổ, tàu hải quân Nam Phi Sas Spioenkop cập cảng Nhà Rồng, thăm TP. HCM. Đây là lần đầu tiên tàu hải quân Nam Phi đến Việt Nam, đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

 

- Từ năm 2008, Nam Phi tài trợ cho dự án hợp tác nông nghiệp ba bên Nam Phi - Việt Nam - Guinea Conakry. Dự án là một minh chứng rất sinh động cho mô hình hợp tác phát triển Nam - Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai châu lục Á - Phi theo hướng thiết thực, hiệu quả.

 

Về đầu tư, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu đầu tư sang thị trường có khoảng 47 triệu dân và diện tích gấp 4 lần Việt Nam này. Bên cạnh một số văn kiện về hợp tác kinh tế song phương đã được ký kết như Hiệp định thương mại, Thoả thuận thành lập Uỷ ban thương mại hỗn hợp, Thoả thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp…, để tạo ra sức bật khơi dậy tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai đất nước cách xa nhau tới 11.000km, cần xúc tiến việc ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế song trùng.

 

“Vẻ đẹp tiềm ẩn”

 

Xin lấy câu khẩu hiệu của du lịch Việt Nam để nói về hợp tác du lịch đầy tiềm năng tốt đẹp giữa đất nước của rừng vàng biển bạc - Việt Nam với Nam Phi - quốc gia được ví như thiên đường trên mặt đất.

 

Có một thời, Nam Phi được biết đến là đất nước sở hữu hải cảng Cape Town và Mũi Hảo Vọng. Nay Nam Phi lại xuất hiện trên danh sách địa danh phải đến tham quan được mời chào bởi một số công ty lữ hành Việt Nam. Malaysia Airlines System, hãng hàng không quốc gia của Malaysia (MAS) đang tìm cách thu hút du khách Việt Nam sang Nam Phi, điểm đến ngày càng hấp dẫn với 8 triệu khách quốc tế năm 2006 và 9 triệu năm 2007.

 

Thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong ngành công nghiệp không khói cũng đang được phía Nam Phi quan tâm. Phía Nam Phi nhìn nhận du lịch là ngành đang phát triển rất nhanh của Việt Nam. Đến năm 2010, du lịch Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như du khách sẽ dễ dàng đến hơn với nhiều cửa khẩu quốc tế, nhiều đường bay mới được mở thêm…

 

Đầu tháng 10/2008, Hội thảo Du lịch Nam Phi đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Du lịch Nam Phi Rejoice Mabudafhasi khẳng định: “Việt Nam và Nam Phi có thể hợp tác mạnh trong lĩnh vực du lịch”. Bà Mabudafhasi cho biết, với lợi thế là quốc gia châu Phi đầu tiên đăng cai World Cup 2010, Nam Phi đang phấn đấu trở thành điểm hút du lịch toàn cầu (dự tính đón 10 triệu lượt du khách quốc tế ở năm 2010) và vì thế, đây là cơ hội cho hai nước phát triển lĩnh vực này.

 

Mai Lam