📞

Quan hệ Việt Nam -Nhật Bản: Thời khắc bứt phá

15:19 | 16/10/2010
Trong chuyến nghiên cứu và khảo sát ngắn ngày tại Nhật Bản (NB) vào đầu tháng 10/2010, Đoàn công tác nghiên cứu đối ngoại theo chương trình của Đề án 165 đã nhận được sự đón tiếp chân tình, nồng hậu ở những nơi đoàn đến. Qua các tiếp xúc từ các đại diện cấp cao của chính giới tới các học giả hoặc doanh nhân, điều mà đoàn cảm nhận được là sự quan tâm sâu sắc và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam theo tinh thần “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á".
Chánh Văn phòng Nội các Sengoku Yoshito tiếp Đoàn công tác nghiên cứu đối ngoại Việt Nam.

NB mong muốn phát triển quan hệ sâu hơn với VN

Tokyo những ngày cuối thu. Giữa những bộn bề công việc của chính quyền hơn một năm tuổi của Đảng Dân chủ, mà nổi lên trong đó là nhiều vấn đề đối ngoại phức tạp trong quan hệ song phương giữa NB với một số nước và những vấn đề liên quan đến an ninh của NB, nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Dân chủ và Chính quyền vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi.

Đón đoàn tại trụ sở Đảng Dân chủ, vị Tổng Thư ký vừa nhậm chức một tuần, nhân vật số 2 của Đảng Dân chủ cầm quyền, ông Katsuya Okada khẳng định: "Tôi đã 3 lần thăm VN và gần đây nhất là vào tháng 3/2010 trên cương vị Ngoại trưởng. Sau mỗi lần thăm lại thấy VN có những phát triển mới. Chính phủ và nhân dân NB coi trọng vai trò của VN và mong muốn phát triển quan hệ sâu hơn với VN. Về quan hệ kinh tế, Nhật là đối tác lớn của VN. Không chỉ giới hạn ở đó, quan hệ trên lĩnh vực chính trị và an ninh cũng cần mở rộng và làm sâu sắc thêm".

Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các NB Sengoku Yoshito cũng nhận xét: "Tôi mới thăm VN tháng 5/2010 và đến nói chuyện tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. NB đánh giá cao vai trò và vị thế của VN. Chúng tôi đã hợp tác giúp đỡ VN thực hiện nhiều dự án, trong đó đã dành cho VN một nguồn viện trợ khá lớn cho VN để phát triển cơ sở hạ tầng và sắp tới sẽ dành cả ODA cho vấn đề đào tạo, trao đổi kinh nghiệm. NB cũng cần học hỏi VN, đặc biệt là ở ý chí vươn lên".

Còn Trưởng Ban Quốc tế của Đảng Dân chủ Chinami Nishimura cho biết: "NB mong muốn xây dựng quan hệ thực chất và đang triển khai xây dựng lộ trình quan hệ với VN. Hiện Nhật gặp nhiều khó khăn trong nước đặc biệt là vấn đề kinh tế, song luôn coi trọng phát triển quan hệ với VN".

Ông Kiyoshi Hanioka, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến ngoại giao nhân dân Nhât Bản thì đã đi xa hơn khi khẳng định: " Quan hệ Nhật-Việt phát triển sâu rộng và trở nên gắn bó như cá với nước".

Nhiều những điểm thuận...

Tiếp đoàn tại Tổng Lãnh sự quán VN tại Osaka, Tổng Lãnh sự Lê Đức Lưu hóm hỉnh nhận xét: "Trên thế giới có 4 nước dùng đũa thì chỉ có VN và NB dùng đũa tre, thứ đũa không cần đến chất để thử độc. Điều đó thể hiện sự tin cậy lẫn nhau. Như vậy thì cớ gì không thúc đẩy quan hệ hơn nữa". Tuy đây chỉ là câu nói vui song cũng thể hiện các điểm thuận trong quan hệ Nhật-Việt: Quan hệ kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt là kim ngạch thương mại đã đạt đến mức xấp xỉ 17 tỷ USD năm 2008; giao lưu văn hóa không ngừng tăng lên; số lượng công dân hai nước đến tham quan, học tập, làm việc và sinh sống tại nước kia cũng tỷ lệ thuận theo đó. Khách du lịch NB chiếm gần 10% tổng lượng khách vào VN, đạt 360.000 luợt năm 2009. Hiện số lượng du học sinh và lao động VN tại Nhật đã lên đến 17.000 người.

NB cần đến VN với tư cách là nước có vị thế đang lên đóng vai trò tích cực trong đời sống chính trị khu vực và quốc tế, cũng như thị trường tài nguyên, nguyên liệu, tiêu thụ và môi trường đầu tư có nhiều điểm hấp dẫn. Trong buổi thăm trụ sở Công ty Nitori (có chi nhánh tại Vĩnh Phúc, VN), Ngài Akio Nitori, Chủ tịch Hội đồng quản trị, bên cạnh việc nêu lên các khuyến nghị về cải thiện môi trường pháp lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đã chỉ ra những ưu điểm của đầu tư tại VN so với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác như: an ninh tốt, ít vòi vĩnh, hối lộ, tính cách người VN phù hợp với người Nhật, so với đầu tư ở Nhật thì giá nhân công ở Trung Quốc bằng 1/10, ở Malaixia là 1/20, trong khi đó ở VN chỉ bằng 1/40, tính hiệu quả khá cao.

Về phía mình, VN hướng đến NB với tư cách là thị trường vốn, công nghệ và lao động. Với Nhật, cường quốc kinh tế thế giới, tuy năm 2010 có tụt xuông thứ 3 song GDP tính theo giá trị tuyệt đối bình quân đầu người vẫn cao hơn Trung Quốc (nước mới vươn lên thứ 2) nhiều lần, thì vẫn có nhiều điều để chúng ta học về kinh nghiệm quản lý, phát triển bền vững, đầu tư cho con người, niềm tin và trách nhiệm của công dân với đất nước…

Cũng theo Tổng Lãnh sự Lê Đức Lưu, thì hiện đang xuất hiện làn sóng đầu tư thứ 3 của NB vào VN tiếp theo các làn sóng thứ nhất trong giai đoạn 1992-1995 và thứ hai trong giai đoạn 2000-2005.

Đâu là đột phá?

Tiếp xúc với chúng tôi, một nhân vật thuộc Hiệp hội xúc tiến Ngoại giao nhân dân NB nhận xét vui NB đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với VN nhưng có vẻ như trong quan hệ song phương, Nhật đang làm nhiều hơn phía VN, thể hiện qua việc đáp ứng các dự án, đề xuất ODA… Qua những gì đoàn cảm nhận được thì đây chính là lúc để có những bứt phá trong quan hệ Việt-Nhật trên cơ sở những điểm đồng, quan hệ chính trị thuận lợi và trên hết đấy chính là vấn đề thời điểm. Điều quan trọng nhất bây giờ là nắm bắt các cơ hội bằng cách tạo ra các điểm nhấn để thúc đẩy quan hệ.

Với người Nhật, niềm tự hào chính là nước sạch và tàu cao tốc Sinkanken. Hiếm có nơi nào trên thế giới mà có thể dùng nước máy để uống ngay như nước lọc trong nhà với độ an toàn vệ sinh cao như vậy. Tàu cao tốc Sinkanken do chính người Nhật thiết kế, vận hành với độ an toàn và chính xác gần như tuyệt đối trong hàng chục năm qua. Đây chính là những biểu tượng của môi trường và an ninh con người. Thêm nữa, hiện NB có 53 nhà máy điện hạt nhân, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ với 54 nhà máy. Từ ngày hoạt động đến nay, điện hạt nhân đã đáp ứng những nhu cầu to lớn của nước Nhật "công nghiệp hóa" và chưa hề xảy ra sự cố nào. Công nghệ tàu cao tốc và làm điện hạt nhân đang được người Nhật "chào hàng" tại nhiều nơi trên thế giới.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người Nhật tỏ ra băn khoăn về việc VN tạm dừng việc lên kế hoạch xây đường sắt cao tốc và ứng dụng công nghệ Sinkanken cũng như việc ta chưa quan tâm áp dụng công nghệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử của bạn. Vậy phải chăng khi hai bên đang cần đến một chất "kích cầu" cho quan hệ thì đây chính là điểm đột phá?

Chia tay nước Nhật, điều cảm nhận của mỗi chúng tôi là quan hệ Nhật-Việt đang đứng ở thời ngưỡng quan trọng, có thể bứt phá lên những tầm cao mới, khai thác tối đa các tiềm năng và phục vụ cao nhất lợi ích của nhân dân mỗi nước. Mong sao các cấp làm chính sách cũng như những người thực hiện có những nỗ lực xứng đáng để kịp thời nắm bắt cơ hội, tạo ra những xung lực mới không ngừng đưa quan hệ hai nước đi lên.

Xuân Thông