📞

Quan hệ Việt Nam - Rwanda: Bước ngoặt lớn, cơ hội mới

14:46 | 26/05/2008
Chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu đất nước Trung Phi này từ ngày 23-26/5, được coi là bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và Rwanda có nhu cầu.

Thiết lập quan hệ ngoại giao đã hơn ba thập kỷ, nhưng hợp tác giữa Việt Nam và Rwanda trong lĩnh vực kinh tế còn rất khiêm tốn, các lĩnh vực khác hầu như không có. Năm 2007, Việt Nam xuất sang Rwanda trên 2,4 triệu USD (chủ yếu là hàng dệt may) và nhập trên 43.000 USD. Hai bên mới ký kết một Hiệp định khung Hợp tác về Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, Khoa học và Công nghệ vào tháng 6/2002. Việc trao đổi đoàn cấp cao, một trong những biểu hiện cho mối quan hệ tốt đẹp về chính trị, cũng còn hạn chế. Đáng kể ra mới có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Rwanda – ông Andre Bumaya vào tháng 6/2002.

Bởi vậy, chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu đất nước Trung Phi này, Tổng thống Paul Kagame, từ ngày 23-26/5, được coi là bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và Rwanda có nhu cầu.

An ninh lương thực - mối quan tâm hàng đầu

Khó khăn lớn nhất đối với Chính phủ Rwanda là giải quyết tình trạng nghèo đói. Hiện nay, Rwanda mới chỉ tự túc được 40% nhu cầu về lương thực. Gần 90% người Rwanda sống nhờ canh tác nông nghiệp theo kiểu tự cấp, tự túc. Phần lớn vùng nông thôn còn chậm phát triển. Thu nhập bình quân đầu người ở nước này khoảng 230 USD, thấp hơn nhiều so với ngưỡng nghèo đói. Bên cạnh đó, tình trạng tăng dân số quá nhanh càng gây sức ép cho cuộc chiến chống đói nghèo.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu về xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, thành công của Việt Nam trong hợp tác nông nghiệp với một số nước Châu Phi theo mô hình 2+1 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Rwanda. Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Andre Bumaya, Rwanda bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển nông nghiệp, nhất là về thuỷ lợi và trồng lúa nước. Rwanda muốn hợp tác với Việt Nam theo mô hình 2+1, đồng thời mong muốn Việt Nam tham dự chương trình hợp tác ba bên Rwanda – FAO – Việt Nam về an ninh lương thực.

Bởi vậy, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho Rwanda trở thành trọng tâm của các buổi hội đàm giữa Tổng thống Paul Kagame với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dự kiến, hai bên cũng sẽ trao đổi việc Việt Nam cử chuyên gia nông nghiệp sang Rwanda, chia sẻ kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Ngoài ra, phía Rwanda cho biết, theo Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi (AGOA) thì Rwanda được cấp hạn ngạch về hàng dệt may xuất sang thị trường Mỹ mà không chịu thuế. Do đó, Rwanda mong muốn Việt Nam hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực này.

Hồi sinh

Hiện nay, Rwanda là một trong những nước có tình hình chính trị - xã hội ổn định ở Châu Phi. Chính phủ của Tổng thống Kagame đang quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi hậu quả của nạn diệt chủng năm 1994, thực hiện hòa giải dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo và bệnh tật. Cuộc hồi sinh ngoạn mục ở quốc gia Châu Phi nhỏ bé này đang nhận được sự đánh giá cao của các nước viện trợ và tổ chức quốc tế.

Rwanda đã và đang có những bước đi đầy tham vọng nhằm biến nước này thành “Thụy Sĩ của châu Phi”. Chính phủ có kế hoạch xây dựng Rwanda thành trung tâm truyền thông và công nghệ thông tin của khu vực. Hiện tại, một hệ thống cáp quang lớn đã được xây dựng trên toàn quốc. Trong tương lai không xa, Rwanda sẽ được trang bị mạng Internet không dây băng rộng hiện đại nhất châu lục.

Năm 2007, tăng trưởng kinh tế của Rwanda đạt 6%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các thay đổi về thủ tục hải quan, tín dụng và luật lao động đã giúp Rwanda đạt được mức tăng trưởng cao tại Phi châu. Tuy nhiên, việc thiếu đội ngũ quản lý có năng lực và hạ tầng công nghiệp là trở ngại chính đối với sự phát triển kinh tế của Rwanda. Những nguồn đầu tư lớn chưa xuất hiện do các công ty nước ngoài vẫn chưa tin tưởng vào khả năng phát triển bền vững của quốc gia mới ra khỏi nội chiến.

Để khắc phục tình trạng này, Kigali đang đầu tư mạnh cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Nước này đã xây mới thêm gấp đôi số trường tiểu học so với cách đây một thập kỷ và bắt đầu triển khai hệ thống bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Nước này cũng tham gia chương trình cung cấp máy tính cá nhân giá rẻ cho trẻ em và dự tính 5 năm nữa sẽ hoàn thành. Bình quân, mỗi trường trung học cơ sở có 10 máy tính nối mạng Internet. Điều này giải thích cho lời khẳng định của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Rwanda Romain Murenzi, tới năm 2020, Rwanda này sẽ có lực lượng lao động mạnh và tin tưởng vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của Rwanda. Hoàng Nam