Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện ngày càng đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử thì tình trạng gian lận, lừa đảo, đánh cắp thông tin... trong các giao dịch liên quan ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho khách hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính.
Đảm bảo an toàn trong thời đại số
Theo Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong tình hình gia tăng các loại tội phạm và lừa đảo công nghệ, các định chế tài chính, ngân hàng nên coi các kênh giao dịch ngân hàng điện tử không chỉ là kênh cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mà còn là một trong các biện pháp giúp khách hàng chủ động quản lý tài sản của mình tại ngân hàng.
Việc tập trung hơn nữa vào dự phòng rủi ro đang giúp cho chất lượng tài sản của BIDV ngày càng cải thiện. (Nguồn: BIDV) |
Chẳng hạn trong các dịch vụ của BIDV, với dịch vụ tin nhắn báo biến động số dư tài khoản (BSMS), khách hàng sẽ nhận được tin nhắn tự động mỗi khi tài khoản gồm cả tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng và nhiều loại tài khoản khác có thay đổi. Với các dịch vụ ngân hàng điện tử khác như Internet banking và Mobile banking (BIDV online, BIDV Smartbanking...) khách hàng sẽ xem được đầy đủ thông tin về tài khoản và thực hiện được hầu hết các dịch vụ đối với các tài khoản tại ngân hàng như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ, gửi tiết kiệm, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng, mua sắm… BIDV cũng hỗ trợ khách hàng đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử trên website để giảm thiểu thời gian đi lại và giao dịch tại quầy cho quý khách hàng.
Theo khuyến cáo của BIDV, khách hàng nên đăng ký dịch vụ BSMS cùng với các dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc kỹ hướng dẫn giao dịch an toàn của BIDV trên trang ngân hàng điện tử để quản lý tối ưu dòng tiền và đảm bảo an toàn trong giao dịch đối với các tài khoản tại ngân hàng.
Đa dạng hóa sự lựa chọn của khách hàng
Là Ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô tổng tài sản lớn nhất trên thị trường, trong những năm gần đây BIDV luôn chú trọng đầu tư và phát triển các giải pháp công nghệ thông tin nhằm mang lại tiện ích cho khách hàng đi đôi với cam kết đảm bảo an toàn thông tin của khách hàng và ngân hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Trong nỗ lực triển khai hoạt động kinh doanh hướng đến khách hàng, hệ thống các kênh phân phối của BIDV ngày càng được đa dạng hóa và hoàn thiện. Hiện nay, BIDV đang cung cấp nhiều kênh giao dịch tự động cho khách hàng như: Hệ thống Ezone, Internet banking, Mobile banking, ATM, POS…
Ngoài ra, BIDV cũng phối hợp với các đối tác trung gian thanh toán và Fintech (công ty tham gia cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) để mở rộng hệ thống phân phối dịch vụ thông qua các ví điện tử, các cổng thanh toán trực tuyến, các hệ thống mua sắm online.
Với các kênh phân phối hiện nay ngoài việc cung cấp dịch vụ chuyển khoản đơn thuần, BIDV đã hỗ trợ khách hàng thanh toán hơn 300 loại dịch vụ tiêu dùng thuộc các lĩnh vực như: Điện, Nước, Viễn thông, Truyền hình, Giao thông, Bảo hiểm, Giáo dục, Chứng khoán, Tài chính tiêu dùng, Bảo hiểm, Ví điện tử, Đấu thầu, Mua sắm online, Golf, Logistics…
Dự phòng rủi ro - cải thiện chất lượng tài sản
Công bố báo cáo tài chính quý IV/2017, BIDV đã gây chú ý với việc trích lập dự phòng rủi ro rất cao. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng đạt 23.715 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước, nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 14.915 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 5.700 tỷ đồng (tương đương 62%) so với năm 2016, nên lợi nhuận trước thuế năm qua chỉ còn tăng 14%. Dù vậy, 8.800 tỷ đồng vẫn là con số lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của BIDV.
Dịch vụ cho vay khách hàng vốn là tài sản lớn nhất của các ngân hàng nói chung cũng như BIDV. Tại thời điểm cuối năm 2017, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV đạt 866.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản của ngân hàng. Có thể thấy, nhờ mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng các khoản vay đã cải thiện khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại ngân hàng cuối năm 2017 giảm mạnh 24,7% so với đầu năm. Nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tại thời điểm cuối năm 2016 là 14.428 tỷ đồng (chiếm 2% tổng dư nợ tín dụng) và vào cuối năm 2017 giảm còn 13.949 tỷ đồng (chiếm 1,6% tổng dư nợ tín dụng).
Hoạt động kinh doanh cốt lõi khả quan được kỳ vọng sẽ giúp BIDV không gặp khó khăn trong việc giải quyết các khoản nợ xấu. Điều đó được thể hiện qua việc thu nhập lãi thuần của BIDV năm qua tăng trưởng ấn tượng tới 32% (tương đương gần 7.600 tỷ đồng). Hệ số NIM (Tỷ lệ thu nhập lãi thuần) tăng lên 2,91%, cao hơn so với mức 2,66% của năm trước.
Thực tế việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã được BIDV thực hiện trong các quý trước của năm 2017 và điều đó khiến cho lợi nhuận ròng tăng trưởng chậm lại. Mặc dù vậy, động thái này được nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là rất tích cực. Trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), các chuyên gia cho rằng, với tình hình hoạt động cốt lõi khả quan thì việc tập trung hơn nữa vào dự phòng đang giúp cho chất lượng tài sản của BIDV ngày càng cải thiện.