📞

Quản lý Uber, Grab: Không nên "bắt nhầm còn hơn bỏ sót"

08:51 | 09/09/2017
Chia sẻ góc nhìn về câu chuyện quản lý Uber và Grab, TS. Đặng Quang Vinh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Nhà nước cần hạn chế đúng chỗ chứ không nên “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.   

Góc nhìn này cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình khi thảo luận tại Tọa đàm “Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số, góc nhìn của các nhà kinh tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội.

Đừng ứng xử với cái cốc như cái đĩa

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, trong quy định của Luật Giao thông đường bộ, Uber và Grab không phải là loại hình taxi mà thuộc nhóm xe hợp đồng. Thông qua phần mềm công nghệ, trước khi bước lên xe, khách hàng đã biết lộ trình, kinh phí phải trả và khi đó hợp đồng cũng đã được ký kết xong. Bản chất Uber và Grab cũng không phải là taxi dù. 

“Nếu như nhà quản lý và người tham gia soạn thảo chính sách không phân biệt rõ ràng sẽ dẫn đến nhầm lẫn. Thực tế là cái cốc nhưng lại nhìn như cái đĩa và đưa ra những chính sách thiếu phù hợp đối với loại hình này”, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Ông Thành cũng cho rằng, hiện nay rất nhiều nhà quản lý địa phương có suy nghĩ Uber, Grab giống như taxi và đây là một hãng taxi. “Vì thế, họ cho rằng cần có khuynh hướng đưa ra giới hạn với Uber, Grab. Thậm chí có địa phương đưa ra chính sách cấm loại hình này như Đà Nẵng. Điều này phải chăng chính quyền địa phương đang ứng xử với cái cốc như cái đĩa?”, TS. Thành đặt vấn đề.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: YN)

TS. Đặng Quang Vinh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, công nghệ giúp người dân trao đổi thông tin, biết trước giá cả cũng như chất lượng dịch vụ, vì thế nó đem lại lợi ích mới cho xã hội. Chưa kể dịch vụ mà Uber và Grab cung cấp không chỉ có giá thành rẻ, dịch vụ tốt hơn mà còn có phần an tâm hơn so với taxi truyền thống. 

Cùng quan điểm, CEO Đỗ Hoài Nam - đồng sáng lập UP-Co Working Space nhận định, hiện khoa học công nghệ đã đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống nên những người làm chính sách cần có cái nhìn đa chiều.

“Trong trường hợp không nhìn đúng bản chất vấn đề thì rất dễ nhìn cái cốc ra cái đĩa và không bao giờ quản lý được chứ chưa nói đến chuyện đúng hay sai. Theo tôi, thay vì hạn chế Uber, Grab thì nên bắt buộc taxi truyền thống phải có thay đổi công nghệ. Theo nghiên cứu, tỷ lệ lấp đầy Uber, Grab là hơn 75% còn taxi truyền thống được 25%. Như vậy, 3 chiếc taxi truyền thống mới có hiệu suất bằng 1 Uber, Grab”, ông Nam chia sẻ.

Cần chính sách phù hợp

Đề cập đến giải pháp, TS. Đặng Quang Vinh đặt câu hỏi: “Liệu việc một số địa phương cấm Uber, Grab có khả thi hay không trong khi Đà Nẵng dù đã đưa ra chính sách hạn chế Uber, Grab nhưng loại hình này vẫn hoạt động ở đây?”.

Theo ông, về nguyên tắc quản lý Nhà nước, mục tiêu là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra công nghệ mới, tạo ra việc làm mới, giá trị gia tăng cao hơn cho người dân, đồng thời cân bằng sự phát triển. 

“Vậy Nhà nước nên làm gì? Tôi cho rằng không nên đánh giá tiêu cực khi chưa dựa trên một đánh giá đầy đủ, thấu đáo và thấy được cái được và cái mất cho Nhà nước, cho xã hội, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần thảo luận kỹ càng hơn, đánh giá nghiên cứu chi tiết hơn. Qua đó mới thấy hết góc cạnh, tác động ngược chiều để có thể lựa chọn được chính sách tốt nhất", TS. Vinh khuyến nghị.

Quản lý Uber, Grab ra sao là bài toán lớn. (Nguồn: VTV).

Ông Vinh cho hay, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế nhanh chóng và sâu rộng, chỉ thị của Thủ tướng về việc chuẩn bị điều kiện thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam rất đúng lúc. Mà nội dung cơ bản, quan trọng hàng đầu của Công nghiệp 4.0 là kết nối, chia sẻ thông tin.

“Nếu chính quyền các cấp không có những nghiên cứu, lựa chọn chính sách thận trọng có thể sẽ không thực hiện đúng được chủ trương này hoặc có thể tác động xấu đến nền kinh tế, về mặt thu nhập, việc làm, thúc đẩy người tiêu dùng. Nhìn một cách khách quan, việc thí điểm Uber, Grab đã tạo sự cạnh tranh tích cực thúc đẩy các hãng taxi truyền thống đổi mới công nghệ. Kể từ khi có loại hình này thì việc các hãng taxi truyền thống tăng giá hầu như cũng không còn nữa”, ông Vinh nói.

Đồng thời, TS. Vinh cho rằng, Nhà nước cần hạn chế đúng chỗ chứ không nên “bắt nhầm hơn bỏ sót”. Nhà nước cũng nên cởi bỏ bớt những quy định, cho phép tự do hóa vận tải taxi để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách bình đẳng.

Còn theo TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, Uber, Grab hiện nay là phép thử với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống. “Chính phủ đã có chủ trương thúc đẩy công nghiệp 4.0, nếu chúng ta từ chối Uber, Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này sẽ đi ngược lại với chủ trương. Thực tế, đó không chỉ là thông điệp, chủ trương dành riêng với ngành vận tải mà còn cho các ngành khác”, TS. Phạm Thế Anh khẳng định.