📞

Quan ngại sâu sắc, IMF và WB xắn tay hỗ trợ Sri Lanka vượt 'cơn bĩ cực'

Vân Anh 15:45 | 24/04/2022
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết thể chế tài chính này vừa tổ chức "các cuộc thảo luận kỹ thuật hiệu quả" với Sri Lanka về yêu cầu cho vay, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay họ đang chuẩn bị một gói viện trợ khẩn cấp cho quốc gia bị khủng hoảng này.
Tình trạng cắt điện kéo dài và thiếu nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men đã làm bùng phát các cuộc biểu tình trên khắp Sri Lanka. (Nguồn: BBC)

Sri Lanka, một quốc đảo với 22 triệu dân, đang phải vật lộn để trả tiền nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh khủng hoảng nợ nần chồng chất và dự trữ ngoại hối giảm mạnh khiến lạm phát trong nước tăng vọt.

Tình trạng cắt điện kéo dài và thiếu nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men đã làm bùng phát các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka, Ali Sabry, đã có mặt tại Washington trong tuần này để thảo luận với IMF, WB, Ấn Độ và các tổ chức khác về việc hỗ trợ tài chính cho đất nước này, vốn đã dừng thanh toán một phần trong số 51 tỷ USD nợ nước ngoài.

Người phát ngôn của WB cho biết, gói ứng phó khẩn cấp của WB bao gồm 10 triệu USD sẽ được giải ngân ngay lập tức để Sri Lanka mua các loại thuốc men thiết yếu.

WB, cùng với IMF, đã tổ chức các cuộc họp mùa Xuân trong tuần này. Dù hai thể chế tài chính này chưa công bố tổng giá trị cho gói hỗ trợ của mình song Bộ trưởng Sabry cho biết một gói hỗ trợ khoảng 500 triệu USD đang được xem xét.

Người phát ngôn của WB cho biết, việc hỗ trợ cung cấp khí đốt, nguồn cung lương thực cơ bản, hạt giống, phân bón và các nhu yếu phẩm khác cũng đang được thảo luận, đồng thời WB cũng "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Sri Lanka.

Còn IMF nói rằng nợ của Sri Lanka cần phải được xử lý một cách bền vững trước khi tổ chức này có thể thực hiện các khoản vay mới cho Colombo - một quá trình có thể cần phải có nhiều cuộc đàm phán kéo dài với Trung Quốc và các chủ nợ khác của nước này.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Sabry, cùng với khoản vay của IMF và hỗ trợ của WB, Sri Lanka đang thảo luận với Ấn Độ về khoản tài trợ bắc cầu 1,5 tỷ USD để giúp nước này tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, đồng thời ông cũng đã tiếp cận với Trung Quốc, Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để tìm kiếm sự giúp đỡ.

(theo Reuters)