Công tác đối ngoại đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 ngày 13/8/2018 tại Hà Nội. |
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII (sau đây viết gọn là “Báo cáo Chính trị”) khẳng định: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Trong thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại. Nổi bật là: Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác; chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện...
Đây là niềm tự hào, là động lực để công tác đối ngoại kế thừa, phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Để đề ra đường lối đối ngoại đúng đắn, khoa học, trước hết phải có tư duy mới trong dự báo, đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình đất nước. Báo cáo Chính trị chỉ rõ: Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Môi trường đối ngoại có những chuyển biến lớn, nổi lên là:
Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược, hợp tác, thỏa hiệp, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp, quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, an ninh phi truyền thống gia tăng, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, làm nảy sinh một số vấn đề trong quan hệ giữa các nước. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định là yêu cầu cấp thiết, là thách thức lớn với Việt Nam.
Bối cảnh, tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác đối ngoại nói riêng. Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn mới, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc các quan điểm, nội dung cơ bản, nhất là những vấn đề mới, phát triển, tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược sau:
Một là, nhận thức đầy đủ mục tiêu đối ngoại trong giai đoạn mới. Không phân biệt thể chế chính trị, trình độ phát triển, hoạt động đối ngoại của mọi quốc gia đều nhằm 3 mục đích (mục tiêu) cơ bản: (i) Bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; (ii) Tranh thủ điều kiện quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước; (iii) Định vị, phát huy ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Ba mục tiêu đó liên quan mật thiết với nhau và tác động qua lại lẫn nhau.
Báo cáo Chính trị xác định mục tiêu tổng quát, trong đó có nội dung “… giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đầu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để thực hiện mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Mục tiêu đối ngoại của Đảng kế thừa kết quả tổng kết lý luận và thực tiễn, bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới. Đó là cơ sở để định hướng nội dung, xác định nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.
Hai là, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo “Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc…” trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Lợi ích quốc gia - dân tộc là nền tảng, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nêu bài học kinh nghiệm “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cơ bản “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”. Kế thừa, phát triển trong tình hình mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị tiếp tục khẳng định và nâng lên tầm mới “Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc…”.
Chúng ta quan hệ với nhiều đối tác, giữa các đối tác có sự quan tâm khác nhau, có những điểm khác nhau về lợi ích. Do đó, Việt Nam cần xác định chính xác lợi ích cơ bản cần bảo vệ và quan điểm chỉ đạo bảo vệ lợi ích. Đối lập với chủ nghĩa dân tuý, dân tộc cực đoan, chúng ta dựa trên cơ sở “… các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”; hài hòa, gắn kết giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, của các đối tác.
Quan điểm đó không những tạo sự đồng thuận xã hội mà còn tranh thủ sự đồng thuận quốc tế, các mối quan hệ, tránh bị đẩy vào thế cô lập, đối đầu. Tạo môi trường thuận lợi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Ba là, quán triệt, nhận thức sâu sắc tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò chiến lược của công tác đối ngoại và vị thế mới của đất nước trong quan hệ quốc tế. Lý luận và thực tiễn luôn khẳng định ngoại giao có vai trò, vị trí quan trọng, là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời chiến và thời bình. Tư duy, nhận thức đó luôn thể hiện trong đường lối của Đảng. Kế thừa, phát huy tư duy, nhận thức đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần đầu tiên chính thức xác định “... vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Theo đó, đối ngoại có vai trò tiên phong cả trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng thời, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa đối ngoại với vị thế, uy tín đất nước. Đối ngoại nâng cao vị thế, uy tín đất nước; vị thế, uy tín đất nước càng cao, càng tạo sức mạnh cho đối ngoại “chiêng có to tiếng mới lớn”. Báo cáo Chính trị xác định Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Trong đó, “thành viên tích cực” là sự bổ sung đích đáng thể hiện vị thế cao của Việt Nam.
Bốn là, định hướng “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII định hướng “nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Báo cáo Chính trị định hướng cao hơn, toàn diện hơn “triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại…”. Triển khai đồng bộ để hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực không chồng chéo, cản trở lẫn nhau. Trong bối cảnh phức tạp, nhiều khác biệt hiện nay, phải sáng tạo mới có thể chủ động thích ứng, xử lý linh hoạt, đúng đắn, kịp thời các vấn đề nảy sinh. Chỉ có như vậy mới bảo đảm hiệu quả, phát huy vai trò của ngoại giao, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Ngoại giao tổ chức. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Về cơ chế phối hợp, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Báo cáo Chính trị nâng lên tầm cao mới “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Cùng với xây dựng nền kinh tế, nền văn hóa, nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân…, chúng ta cần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, tạo nền tảng đồng bộ vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là quan điểm, tư tưởng rút ra từ tổng kết lý luận, thực tiễn, lần đầu tiên chính thức đưa vào văn kiện, thể hiện tư duy mới, vai trò quan trọng, tiên phong của mặt trận ngoại giao, yêu cầu cao hơn, cũng như mối quan hệ giữa các chủ thể của đối ngoại.
Năm là, định hướng về nội dung, nhiệm vụ của đối ngoại song phương và đa phương. Đại hội Đảng lần thứ XII lần đầu tiên chính thức đề cập khái niệm “đối ngoại đa phương”. Bổ sung, phát triển nhận thức đó, Báo cáo Chính trị xác định “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương”. Đối ngoại đa phương là sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, của ba trụ cột, trên các lĩnh vực, để xử lý các vấn đề của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Xác định các tầng nấc ưu tiên, trước hết là ASEAN, Liên hợp quốc như các Nghị quyết trước, lấy ASEAN, Liên hợp quốc làm trọng tâm của đối ngoại đa phương. Báo cáo Chính trị cụ thể hóa thêm: APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Đồng thời với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, Báo cáo Chính trị mở rộng, nhấn mạnh “giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực”.
Trong đối ngoại song phương, Đảng đặt yêu cầu “tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”. Định hướng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, Báo cáo Chính trị xác định: Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển… Như vậy, cả đối ngoại song phương và đa phương đều có bổ sung, phát triển.
Sáu là, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn mới. Đảng ta khẳng định: Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam. Cụ thể hóa đột phá chiến lược về “Phát triển nguồn nhân lực” trong công tác đối ngoại, Báo cáo Chính trị xác định nhiệm vụ, giải pháp toàn diện gồm: Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, phong cách chuyên nghiệp là đặc thù của công tác đối ngoại. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể chủ động thích ứng trước những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, bất ngờ của thế giới, khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.
Đồng thời với các định hướng nêu trên, Báo cáo chính trị tiếp tục kế thừa các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản: Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân, triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các kênh và các cơ quan đối ngoại, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Nội dung triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trong Báo cáo Chính trị thể hiện tư duy mới của Đảng, kế thừa, phát triển các bài học kinh nghiệm trong tổng kết lý luận và thực tiễn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, và đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phù hợp với tình hình thế giới, khu vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII được xây dựng công phu, khoa học. Nay lại đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân thể hiện sự cầu thị, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân. Đây cũng là một bước để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt, học tập đường lối của Đảng, tạo cơ sở thực hiện quan điểm, phương châm chỉ đạo “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Với tinh thần đó, xin mạnh dạn nêu kiến nghị:
Quan điểm chỉ đạo thứ ba trong Báo cáo Chính trị xác định: “… gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Đường lối của Đảng bao gồm đường lối đối nội và đối ngoại. Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định “vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”; “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”. Nhiệm vụ thứ 3 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đề cập cả đối ngoại, hội nhập quốc tế và quốc phòng, an ninh.
Do đó, để tạo sự thống nhất, gắn kết giữa đối nội và đối ngoại, giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo tư duy, quan điểm mới, nên chăng nghiên cứu, bổ sung nội dung “đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế” vào cụm thứ tư của quan điểm thứ ba thành “bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên”.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ đối ngoại, trước hết mỗi tổ chức, mỗi người phải nhận thức đúng Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trên cơ sở đó, củng cố, tăng cường lòng tin, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, quán triệt, chuyển hóa thành hành động thực tiễn phù hợp với nhiệm vụ, phạm vi của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.